Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

CHUYỆN BUỒN 'THÁNG CỦ MẬT'

Chuyện buồn "tháng củ mật"

Thứ Ba, 10/12/2013 14:58

(PL&XH) Khoảng thời gian cuối năm, hành vi trộm cắp thường có chiều hướng phức tạp hơn. Những chuyện buồn trong "tháng củ mật" vì thế cũng có... xu hướng gia tăng.

Ngọc Chi (1989, nhân viên văn phòng) vừa gặp chuyện bực bội khi chiếc xe LX của cô bị xước hết đầu xe. Chi nói: "Tôi gửi xe ở dưới hầm. Lúc lấy xe thì xe bị xước rất nhiều. Ai đó đã làm vậy chỉ để lấy đi... cái nút chỉnh đồng hồ. Tôi cảm thấy rất bực".


Chi đem câu chuyện đăng lên trang cá nhân của mình trên mạng xã hội và nhận được nhiều chia sẻ của bạn bè theo hướng: -Tháng củ mật, của đi thay người... Chuyện bực bội của Ngọc Chi không phải là câu chuyện cá biệt trong "tháng củ mật". Khoảng thời gian cuối năm, hành vi trộm cắp thường có chiều hướng phức tạp hơn. Những chuyện buồn trong "tháng củ mật" vì thế cũng có... xu hướng gia tăng.

Khoảng thời gian cuối năm, hành vi trộm cắp thường có chiều hướng phức tạp hơn. (Ảnh minh hoạ)

Cũng liên quan đến xe cộ, Đỗ Nam (1989, sinh viên) khi gửi xe ở nhà gửi xe của trường đã bị lấy cắp mũ bảo hiểm. Nam bảo: "Mũ bảo hiểm có giá trị không lớn nhưng tôi đã mất nhiều lần và rất bực. Có lần vì bị lấy cắp mũ mà tôi phải đi xe không đội mũ bảo hiểm và bị công an xử phạt. Tôi cứ nghĩ gửi xe trong sân trường thì sẽ an toàn vì toàn là sinh viên với nhau, đều là những người được học hành cả".

Những chuyện mất mát dịp cuối năm, nhiều người có thể thở phào và tự an ủi rằng: của đi thay người. Nhưng, cũng có những trường hợp bị cướp giật trên đường dẫn đến tai nạn.

Phương Anh (1987, dược sĩ) chia sẻ về chuyện bị cướp giật: -Tuần trước, tôi đang lái xe ở phố Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm) thì có hai người đi xe máy giật lấy túi xách của tôi. Bất ngờ quá nên tôi bị ngã theo xe. Chống tay xuống mặt đường nên bị bong gân. Giờ vẫn chưa hết đau". Phương Anh vừa xoa xoa tay vừa than.

Phương Anh nói: -Sau vụ việc đó về sau có đi đường thì tôi để túi xách trong cốp xe cho an toàn. Cuối năm rồi càng nên cẩn thận".

Liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản, trả lời phỏng vấn báo PL&XH, Ths, Luật sư Huỳnh Phương Nam, Trưởng văn phòng luật sư Huỳnh Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết ý kiến về vụ "hôi bia" đang làm "nóng" dư luận thời gian gần đây. Theo Luật sư Nam: "Về khía cạnh pháp lý, những người này đã có hành vi chiếm đoạt bia - tức là chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, qua clip và các bài báo thì thấy tùy từng người mà có hành vi khác nhau khi tham gia chiếm đoạt và việc xử lý trách nhiệm pháp lý phải cụ thể đối với từng người có hành vi vi phạm.

Theo đó, nếu họ lấy bia một cách lén lút, không để cho người lái xe biết thì đó là có dấu hiệu của Tội trộm cắp tài sản, được quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự; nếu họ dọa cho lái xe sợ để lấy thì đó là dấu hiệu của Tội cưỡng đoạt tài sản, được quy định tại Điều 135 BLHS; nếu đánh hoặc dọa đánh ngay để lấy bia thì là dấu hiệu của Tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS; còn nếu họ cứ xông vào lấy trước sự chứng kiến của lái xe mà anh ta không thể làm gì được thì có thể là dấu hiệu của Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 137 BLHS;… Đối với những người chiếm được tài sản tuy không thuộc các trường hợp trên nhưng có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên mà không trả lại hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền thì có dấu hiệu của Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 BLHS.

Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền lại phải chứng minh được mỗi người tham gia có hành vi cụ thể nào trên đây, một số trường hợp phải chứng minh được giá trị tài sản mà họ chiếm đoạt được thì mới có căn cứ để xử lý họ trước pháp luật.



Tại sao lại gọi là "tháng củ mật"?

Xưa kia các cụ gọi tháng chạp là “tháng củ mật” bởi tháng ấy nhiều trộm đạo, mọi người (nhất là các tuần đinh) phải củ soát cẩn mật. Xét cho cùng cũng vì đói mà đầu gối phải bò.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Đỗ An

 


Không có nhận xét nào: