Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Dự án Trường Quốc tế UNIS – CAMPUS tại Vĩnh Phúc: Vì sao người dân phản đối?

Dự án Trường Quốc tế UNIS – CAMPUS tại Vĩnh Phúc: Vì sao người dân phản đối?
Dự án Trường Quốc tế UNIS – CAMPUS tại Vĩnh Phúc:
 Vì sao người dân phản đối?

Giao đất không đúng đối tượng, việc sử dụng đất không đúng mục đích, thành lập trường học không đúng quy định pháp luật. Đó là lý do khiến người dân có đất bị thu hồi nhất quyết không giao đất cho Cty tiến hành xây dựng, đồng thời khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy bỏ dự án…
  Trường quốc tế tư nhân lớn nhất Đông Nam Á...
Ngày 5/8/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 19121000168 cho Cty CP văn hóa giáo dục khoa học và truyền thông UNET (Cty UNET) (địa chỉ tại Xóm Cầu, ngã 3 Chợ Xanh, Khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) làm chủ đầu tư xây dựng dự án Trường Quốc tế UNIS – CAMPUS. Trường được xây dựng trên diện tích hơn 17ha, tại phường (Khu Công nghiệp) Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên. Quy mô đào tạo học sinh thường xuyên là 1.975 học sinh, từ hệ học sinh mầm non, đến hết Trung học phổ thông và hướng nghiệp; bồi dưỡng và đào tạo tiếng Anh. Chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn giáo dục Việt Nam và đạt chuẩn quốc tế.
Ngày 20/8/2008, UBND tỉnh đã ra quyết định số 3068/QĐ-UBND thu hồi đất nông nghiệp của 120 – 140 hộ dân để phê duyệt phương án bồi thường và giao cho Cty UNET xây dựng trường quốc tế tại Quyết định số 4539/QĐ-UBND ngày 11/12/2008. Cty UNET cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường, trả tiền cho dân theo quyết định phê duyệt của tỉnh.
Ngày 20/6/2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã căn cứ vào Luật Giáo dục, Điều lệ trường mầm non, Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường phổ thông có nhiều cấp học ra Quyết định số 1449/QĐ-UBND chính thức “Cho phép thành lập trường Quốc tế UNIS-CAMPUS”. Với quy mô đào tạo chỉ còn 1.150 học sinh, với 120 học sinh nước ngoài.
 Cắt đất xây trường làm đất ở
           Ngay sau khi quyết định thu hồi đất, UBND tỉnh đã đồng ý cho Cty “cắt” khoảng 10.000m2 trong tổng diện tích đất thu hồi để làm đường theo quy hoạch và xây dựng Khu đất dịch vụ, đất ở tái định cư của dự án. Trong đó cho phép Cty được xây dựng cơ sở hạ tầng, giao đất cho người dân bị thu hồi. Tiếp đó, tại Quyết định số 2128/QĐ-UBND ngày 08/07/2009 “V/v phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Trường Quốc tế UNIS – CAMPUS tại Phường Khai Quang – TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc”, UBND tỉnh lại đồng ý cho trường này dùng 35.885m2/155.700m2 làm đất ở. Chỉ còn lại khoảng 120.000m2 là để xây dựng trường. Chưa hết, trong khi trường chưa được thành lập, ngày 9/5/2011, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc lại có tờ trình đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh đất xây dựng trường xuống còn 68.533m2, phần còn lại 86. 850m2 sẽ cho doanh nghiệp làm đất đô thị gọi là khu nhà ở UNISLAND. Và ngày 21/11/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc – Phùng Quang Hùng đã đồng ý với đề nghị trên của Cty UNET.
Như vậy, từ mục đích ban đầu là đất cho dự án giáo dục với diện tích 17,17ha, nay đã giảm xuống còn khoảng 6,8ha. Đất đô thị và đất ở từ chỗ không có chỗ đứng trong quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án xã hội hóa giáo dục, đến nay đã chiếm được khoảng 11 ha?.
Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam – Trưởng Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội thì việc giao đất cho Cty UNET và sử dụng đất như trên đã không đúng với quy định pháp luật.
Thứ nhất, giao đất không đúng đối tượng, sai so với quy định tại Điều 1, Điều 2 và Điều 4 Nghị định 69/2008/NĐ-CP quy định về “Đối tượng, phạm vi điều chỉnh” cũng như “Điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa” và “Nguyên tắc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa”.
Thứ hai: Việc cho phép công ty này chuyển 8,7 ha làm đất đô thị - là loại đất được tham gia thị trường bất động sản từ diện tích đất thu hồi cho mục đích xã hội hóa giáo dục là sai so với Điều 36 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Tại khoản 7 của điều luật này ghi rõ “Không được chuyển mục đích SD đất đối với đất đã giao để SD vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng … sang mục đích xây dựng kinh doanh nhà ở”.
Thứ ba, việc cho phép doanh nghiệp cắt đất dự án giáo dục để làm khu đất ở tái định cư, dịch vụ và bán đấu giá quyền sử dụng đất cũng không đúng với Điều 3, Điều 7, Điều 8 Bản quy định “Về việc giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch dịch vụ và khu đô thị mới tập trung” ban hành kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-UBND ngày 04/04/2006 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về “Phạm vi áp dụng”, “Thẩm quyền giao đất dịch vụ”, “Quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”. Theo các quy định này thì khi tỉnh Vĩnh Phúc tiến thành quy hoạch xây dựng Khu Công nghiệp Khai Quang được quy hoạch phát triển theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 cũng đã phải quy hoạch khu đất tái định cư, dịch vụ để trả cho người dân trong vùng quy hoạch khu công nghiệp này. Và ngay sát đất xây dựng trường quốc tế UNIS – CAMPUS tỉnh cũng đã dành đất cho quy hoạch dự án Khu đô thị Him Lam. Việc lấy đất thu hồi thực hiện dự án giáo dục để xây khu đất ở tái định cư, dịch vụ và bán đất giá quyền sử dụng đất cũng mang tên UNISLAND như trên vừa không sử dụng đúng mục đích của đất thu hồi, vừa không cần thiết và phá vỡ quy hoạch.
Luật sư Nam cho biết thêm, về mặt nguyên tắc khi phát hiện việc cho phép sử dụng đất sai mục đích, giao không đúng đối tượng, UBND tỉnh phải ra quyết định thu hồi lại những diện tích đất trên. Và chỉ ra quyết định thu hồi đúng 6,8 ha – là diện tích xây dựng trường. Phần diện tích còn lại, nếu doanh nghiệp muốn sử dụng phải lập dự án mới và phải thỏa thuận với dân để mua lại. Vì diện tích đất dành cho dự án kinh tế này không nằm trong danh mục những trường hợp nhà nước phải thu hồi đất.
Duy – Tú

Theo Báo Bảo vệ pháp luật, số 18 (905) Thứ sáu 02.03.2012 (trang 10)

◊ Tin liên quan

Không có nhận xét nào: