Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Diễn biến mới nhất phiên tòa xét xử vụ án thủy điện Sơn La

Diễn biến mới nhất phiên tòa xét xử vụ án thủy điện Sơn La

14:50 ngày 24 tháng 07 năm 2019
https://vov.vn/Print.aspx?id=935899
VOV.VN - Luật sư cho rằng, cơ quan an ninh điều tra và kiểm sát viên đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng
Tại phần tranh tụng, phiên tòa xét xử 17 bị cáo vụ sai phạm đền bù xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La sáng 24/7, đa số các luật sư cho rằng, vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình giải quyết vụ án là việc cơ quan an ninh điều tra và kiểm sát viên đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
dien bien moi nhat phien toa xet xu vu an thuy dien son la hinh 1
Luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La cũng chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình về việc phát hiện và yêu cầu khắc phục vấn đề vi phạm thẩm quyền điều tra.
Luật sư Huỳnh Phương Nam, bào chữa cho các bị cáo Phan Xuân Khoa và Tòng Văn Thành, cho rằng, tại Mục A Chương 2 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự quy định về Tổ chức và thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Điều 12 quy định về thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân như sau: “1. Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XI, Chương XXIV và các tội phạm quy định tại các điều 180, 181, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 263, 264, 274 và 275 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh…”.
Cơ quan an ninh điều tra chỉ có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự tại Chương XI – Các tội xâm phạm An ninh quốc gia từ Điều 78 – 91; Chương XXIV – Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; và các tội được liệt kê nêu trên. Rõ ràng với vụ án này, tội phạm mà các bị cáo bị điều tra, truy tố và đưa ra xét xử là tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 BLHS 1999 không thuộc các tội quy định tại khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.
Luật sư Nam cũng cho biết thêm: Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nguyên tắc đảm bảo pháp chế Xã hội chủ nghĩa, “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những quy định do Bộ luật này quy định”. Vậy căn cứ nào để cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La có thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án này? Việc Cơ quan an ninh điều tra khởi tố, điều tra vụ án này là trái thẩm quyền, trái quy định pháp luật nên toàn bộ các hoạt động tố tụng căn cứ trên cơ sở điều tra đó cũng là trái pháp luật, những biện pháp tố tụng và tài liệu liên quan, trong đó có lời khai của các bị cáo cũng không có giá trị pháp lý nếu bất lợi đối với họ.
dien bien moi nhat phien toa xet xu vu an thuy dien son la hinh 2
 Luật sư cho rằng: Không hiểu bằng cách nào, các bản lời khai của các bị cáo tại trại tạm giam đều ghi là biết kế hoạch 41 là sai, trong khi các bị cáo đều không có văn bản khác để đối chứng.
Về việc kiểm sát điều tra, luật sư Nam cũng cho rằng, theo Điều 6 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự quy định về Trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong hoạt động điều tra; qua quá trình từ khởi tố, điều tra, truy tố và đến tại phiên Toà, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La cũng chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình về việc phát hiện và yêu cầu khắc phục về vấn đề vi phạm thẩm quyền điều tra này.
Luật sư Bùi Việt Anh, bào chữa cho các bị cáo Phan Xuân Khoa, Tòng Văn Thành, Triệu Ngọc Hoan cho rằng, phần luận tội của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La đã công bố tại phiên tòa ngày 23/7/2019 đã luận tội không căn cứ vào lời khai, ý kiến của các bị cáo, ý kiến của người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đã trình bày tại phiên tòa; luận tội chủ yếu dựa vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án; không tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các chứng cứ xác định vô tội mà chỉ tập trung phân tích, đánh giá các chứng cứ buộc tội đối với tất cả bị cáo trong vụ án này; đồng thời luật sư cho rằng, luận tội hầu như được sao chép từ bản cáo trạng số 51 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La.
Về thủ tục tố tụng, luật sư Việt Anh cho rằng, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan an ninh điều tra cũng như Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La đã có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng như là: Về thẩm quyền điều tra, về việc giám định, xác định tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng, việc tạm giam đối với các bị cáo… Đồng thời luật sư cho rằng, tại phiên tòa trước đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã trả hồ sơ, yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La điều tra bổ sung 5 vấn đề, tuy nhiên cáo trạng số 51 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La chỉ kết luận 2 vấn đề, còn lại 3 vấn đề rất quan trọng thì Viện Kiểm sát chưa kết luận.
Luật sư Lê Văn Thiệp bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Thanh cho biết: Không hiểu bằng cách nào, các bản lời khai của các bị cáo tại trại tạm giam đều ghi là biết kế hoạch 41của UBND huyện Mường La về "Đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi đất chi tiết khu vực Nhà máy thủy điện Sơn La" là sai, trong khi các bị cáo đều không có văn bản khác để đối chứng. Kế hoạch 41 là các bước triển khai thực hiện tiếp theo văn bản của cấp trên, làm sao biết là kế hoạch đó sai. Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La ban hành công văn 617 ngày 18/3/2014 về việc "Giải quyết vướng mắc trong việc bồi thường đất nông nghiệp khu vực mặt bằng nhà máy thủy điện Sơn La" là không hợp lý, công văn này chỉ đạo việc đo đạc diện tích đất bị thu hồi, trong khi diện tích đất đó đã bị ngập nước, về thực tế thì làm sao đo đạc được. Căn cứ từ công văn 617 này của Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện Mường La mới có kế hoạch 41 để cho phù hợp với tình hình thục tế khi diện tích đất được bồi thường đã bị ngập nước, như vậy là sai từ đầu, từ Ủy ban Nhân dân tỉnh. Việc điều tra xác minh của cơ quan điều tra về diện tích đất của ông Ban còn sơ sài, chưa đủ cơ sở. Đề nghị Viện kiểm sát xem xét các căn cứ để kết tội các bị cáo có đủ cơ sở không? Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội danh này, trả tự do cho bị cáo.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Lê Quang Duy, cựu cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường La không nhất trí với cáo buộc của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La. Bị cáo cho rằng bản thân không biết kế hoạch 41 là sai, kế hoạch này không quy định thẩm định hồ sơ như thế nào. Bị cáo thẩm định hồ sơ theo đúng quy định của luật đất đai và khẳng định toàn bộ hồ sơ khi chuyển đến bị cáo đã có đầy đủ chữ ký, đã hoàn thiện. Diện tích đền bù cho bị cáo Đèo Văn Ban đã được đo đạc trên bản đồ địa chính và người dân xác nhận. Bị cáo không có trách nhiệm thẩm định bản đồ địa chính. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết căn cứ vào đâu mà cho rằng bị cáo biết kế hoạch 41 là sai, căn cứ vào đâu để quy kết bị cáo có trách nhiệm thẩm định bản đồ địa chính, căn cứ vào đâu để Viện Kiểm sát quy kết bị cáo chia nhỏ thửa đất này. Hậu quả của bị cáo gây ra là như thế nào?
Trong quá trình tranh tụng, luật sư nhiều lần đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu Kiểm sát viên khi phát biểu phải đứng lên để tôn trọng Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa, không thể cứ ngồi để phát biểu như những ngày xét xử vừa qua./

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

Dự án Bệnh viện Nhân An: Tỉnh Đăk Lăk thu hồi trái pháp luật hơn 15.000 m2 đất?

Dự án Bệnh viện Nhân An: Tỉnh Đăk Lăk thu hồi trái pháp luật hơn 15.000 m2 đất?

Thứ Ba 09/10/2018 , 13:44 (GMT+7)
Ngày 20/9/2018, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chuyển đơn kêu cứu khẩn cấp của Công ty TNHH Bệnh viện Nhân An (Địa chỉ tại TP Buôn Ma Thuột, TP Đăk Lăk, tỉnh Đăk Lăk) cho Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết.
Phối cảnh dự án bệnh viện đa khoa Nhân An (bị UBND tỉnh Đăk Lăk chấm dứt chủ trương đầu tư khi đang thi công xây dựng)
Trong đơn kêu cứu, Công ty Nhân An cho rằng, UBND tỉnh Đăk Lăk đã thu hồi hơn 15.000 m2 đất mà doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại lớn về tài sản của doanh nghiệp.
Bản án gây tranh cãi!
Là người nghiên cứu hồ sơ của vụ việc trong nhiều năm, Luật sư Huỳnh Phương Nam, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: “Trong quá trình ra văn bản chấm dứt chủ trương dự án và thu hồi hơn 15.000 m2 đất của Cty Nhân An, UBND tỉnh Đăk Lăk không viện dẫn cụ thể căn cứ pháp luật mà phải dẫn chiếu lòng vòng các văn bản nội bộ và của cấp dưới. Đồng thời, có dấu hiệu áp dụng sai quy định pháp luật về thu hồi đất”.
 Thấy có dấu khuất tất và bất công vì bị UBND tỉnh Đăk Lăk thu hồi đất trong khi đang thi công xây dựng dự án (được nêu trong bài viết Dự án xây dựng bệnh viện hơn 300 tỷ đồng “chết yểu: Tỉnh Đăk Lăk tắc trách và “xử ép” nhà đầu tư?), Cty Nhân An đã khởi kiện tại TAND tỉnh Đăk Lăk yêu cầu hủy QĐ 2760/QĐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh để Cty tiếp tục thực hiện dự án.
Bản án phúc thẩm nhận định: “Xét: Cty TNHH Bệnh viện Nhân An được UBND cho thuê đất để xây dựng công trình theo dự án được phê duyệt, nhưng do Cty không thực hiện đúng tiến độ xây dựng, quá hạn 2 năm mà phía Cty mới đào đất và thi công lớp móng công trình… nên căn cứ khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003, việc UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành Quyết định 2760 thu hồi lại phần đất đã cho Cty Nhân An thuê là có căn cứ, đúng pháp luật”.
 Mặc dù lễ động thổ đã diễn ra, nhưng với những văn bản chấm dứt chủ trương đầu tư và thu hồi đất của UBND tỉnh Đăk Lăk, dự án đang đi vào ngõ cụt
 Tuy nhiên, theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, nhận định này là không đúng. Bởi lẽ, khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai 2003 quy định nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau: “Đất được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không có cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép”.
Căn cứ vào Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Đăk Lăk cấp cho Cty Nhân An thì tiến độ thực hiện dự án Bệnh viện đa khoa Nhân An là 24 tháng từ tháng 8/2009 đến tháng 8/2011. Do UBND tỉnh chậm bàn giao mặt bằng sạch cho Cty Nhân An nên tính từ ngày Cty được bàn giao mặt bằng sạch (ngày 19/9/2011) thì thời hạn hoàn thành dự án phải là ngày 19/9/2013. Như vậy, phải đến ngày 19/9/2015 thì dự án mới được coi là chậm tiến độ 24 tháng.
 Tuy nhiên, ngày 26/6/2013 – khi dự án đang còn trong thời hạn 24 tháng theo tiến độ thì UBND tỉnh ra văn bản chấm dứt chủ trương dự án bệnh viện đa khoa Nhân An. Như vậy là trái với quy định tại khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai.
Mặt khác, bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk căn cứ vào bút lục số 107 – Bản cam kết tiến độ dự án số 01/CK-NA ngày 28/12/2012 của Cty Nhân An để cho rằng Cty Nhân An chậm tiến độ do thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu. Tuy nhiên, theo Bản cam kết tiến độ dự án số 01/CK-NA của Cty Nhân An với Sở Xây dựng nêu rõ: Dự kiến là 20 tháng tính từ tháng 1/2013, và có thể cộng (+) hoặc trừ (-) 04 tháng, tức là thời hạn hoàn thành công trình phải đến tháng 9/2014 hoặc tháng 1/2015. Thế nhưng, khi chưa hết thời hạn cam kết này thì đến ngày 30/12/2013 (mới được ½ thời hạn tiến độ cam kết) UBND tỉnh Đăk Lăk đã ra Quyết định thu hồi đất của Cty Nhân An. Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, bên vi phạm phải được xác định  chính là UBND tỉnh Đăk Lăk.
 Căn cứ thu hồi đất viện dẫn lòng vòng
 Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, ngoài căn cứ vào tên các văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ duy nhất thể hiện lý do thu hồi đất được QĐ 2760 của UBND tỉnh Đăk Lăk dựa vào để thu hồi đất của Cty Nhân An là “Xét đề nghị của Sở TN-MT tại tờ trình số 291 ngày 3/12/2013. Thế nhưng, tờ trình này của Sở TN-MT cũng không có bất cứ một chữ nào xác định Cty Nhân An có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai dẫn đến việc phải thu hồi đất ngoài nội dung “thực hiện Công văn số 7326/UBND-CN ngày 18/10/2013 của UBND tỉnh Đăk Lăk về việc thực hiện dự án Bệnh viện đa khoa Nhân An”.
Tại công văn số 7326/UBND-CN của UBND tỉnh Đăk Lăk là văn bản chỉ đạo nội bộ của tỉnh, cũng chỉ nêu rằng xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn 1078 ngày 25/9/2013, có ý kiến cho rằng Cty Nhân An không thực hiện đúng cam kết và UBND tỉnh đã chấm dứt chủ trương đối với dự án này tại công văn 4193 (ngày 26/6/2013) nhưng cũng không nêu rõ Cty Nhân An đã vi phạm quy định nào.
Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa chuyển đơn kêu cứu của Cty Nhân An sang Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết
 “Rõ ràng, quyết định thu hồi đất – là quyết định hành chính tác động trực tiếp đến đối tượng bị thu hồi đất mà không được nêu lý do thu hồi (vi phạm khoản nào, điều luật nào) mà phải dẫn chiếu lòng vòng đến các văn bản nội bộ và của cấp dưới. Như vậy thì làm sao đối tượng bị thu hồi đất có thể tâm phục khẩu phục (!?), Luật sư Huỳnh Phương Nam cho biết.
Chuyển vụ việc cho Tòa án tối cao giải quyết
 Cũng theo Luật sư Nam, UBND tỉnh Đăk Lăk đã vi phạm Luật tố tụng hành chính. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Luật tố tụng hành chính: Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính được người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản. Nhưng trong vụ kiện này, có một số cá nhân được cử thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đại diện cho UBND tham gia tố tụng. Trong khi đó, các văn bản ủy quyền nhân danh Chủ tịch UBND tỉnh lại không do Chủ tịch Phạm Ngọc Nghị ký mà lại do ông Đinh Văn Khiết – Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ủy quyền cho ông Trần Văn Sỹ) và ông Y Đhăm Ênuôi ký thay (ủy quyền cho ông Hoàng Xuân Ngân). Việc ký như vậy là không hợp pháp và trái quy định của pháp luật, bởi lẽ đây là quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch UBND tỉnh khi tham gia tố tụng, không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND. Chính vì giấy ủy quyền không hợp pháp nên bản tự khai (duy nhất trong hồ sơ) ngày 20/1/2015 của ông Sỹ là không có giá trị pháp lý.
Ông Lương Thanh Tùng – Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Bệnh viện Nhân An, Ngày 18/7/2017, cho biết: Ngày 24/12/2015, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm (bản án số 11/2015/HC-TP) tuyên giữ nguyên Bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Cty Nhân An.
Giam tiền doanh nghiệp, lãng phí quá lớn!
 Theo lãnh đạo Công ty Nhân An: Vì đây là dự án xã hội, phục vụ mục đích nhân đạo vì cộng đồng, vì vậy trong quá trình tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, ngày 5-9-2014, Công ty Nhân An đã được Hội đồng Phát triển kinh tế châu Âu EEDC Đông Nam Á-Thái Bình Dương thỏa thuận tài trợ 70 triệu USD cho dự án Bệnh viện Đa khoa Nhân An. Trước đó, để thi công phần móng của công trình, chúng tôi cũng đã chi ra vài chục tỷ đồng. Từ tháng 10-2014 đến nay, Công ty Nhân An đã ban hành nhiều văn bản, trình UBND tỉnh Đăk Lăk xin phục hồi dự án, nhưng không được giải quyết.
Ngày 11/8/2017, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã có công văn gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị giải quyết đơn của Cty Nhân An theo quy định của pháp luật
Sau khi nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của Cty Nhân An với nội dung: “Khiếu nại quyết định xét xử của TAND cấp cao tại Đà Nẵng liên quan đến yêu cầu khởi kiện của Cty Nhân An về việc yêu cầu hủy Quyết định số 2760 ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh Đăk Lăk về việc thu hồi 15.936m2 đất của Cty tại phường Thành Nhất – TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk”, mới đây, ngày 20/9/2018, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có văn bản số 1620 chuyển đơn trên đến Tòa án Nhân dân tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời người có đơn và thông báo kết quả đến Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Trước đó, ngày 11/8/2017, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã có công văn số 805/UBTP14 gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc xử lý đơn của Cty Nhân An.

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Vụ tai nạn giao thông tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình: Vì sao kéo dài tới 7 năm?

31/7/2018 08:49 UTC+7
(Công lý) - Vụ án liên quan đến TNGT xảy ra tại huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã kéo dài tới 7 năm nhưng chưa có hồi kết. Tang vật là xe ô tô đang trong giai đoạn điều tra và chưa thành lập Hội đồng định giá nhưng Cơ quan CSĐT trả cho chủ xe tự mang đi định giá.
Nhiều lần Tòa trả hồ sơ
Theo Kết luận mới nhất của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Lạc, vào khoảng 9g40 phút ngày 27/5/2012, ông Trương Trọng Đản, trú tại  Đan Phượng, Hà Nội điều khiển xe ô tô BKS: 30Y – 6814 đi từ TT Mộc Châu, Sơn La về Hà Nội. Đến km 118+500, quốc lộ 6A thuộc xã Phú Cường, Tân Lạc, ông Đản nhìn thấy phía trước cách 100m có xe ô tô 29A- 116.92 do anh Trần Mai Lê, trú tại đường Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy, Hà Nội điều khiển. Ngoài anh Lê, trên xe còn vợ, hai con anh Lê và hai người khác.
Ông Đản đã không giảm tốc độ, xử lý đánh lái sang trái theo hướng đi, đồng thời đạp phanh đột ngột dẫn đến xe ô tô của ông bị trượt lết, lấn sang phần đường xe chạy ngược chiều dẫn đến văng va vào phần đầu bên phải của xe ô tô 29A-116.92, đẩy đầu xe bên trái 29A-116.92 va vào tường.
Hậu quả, cháu Trần Khoa Lê Anh bị thương, hai xe ô tô bị hư hỏng. Trong các ngày 22/7/2012 và 2/1/2013, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Tân Lạc đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định khởi tố bị can đối với Trương Trọng Đản.
Lần này, Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố bị can Trương Trọng Đản về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điểm đ khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999. Cơ quan CSĐT cho rằng hành vi của Trương Trọng Đản đã vi phạm vào khoản 3, 4 điều 5 thông tư số 13/2009/TT-BGTVT (nay là Thông tư 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015); vi phạm khoản 1 điều 12; điểm b khoản 2 điều 17, Luật Giao thông đường bộ gây thiệt hại về tài sản xe ô tô 29A- 116.92 với giá trị thiệt hại thực tế tại thời điểm tai nạn là 1.024.476.000 đồng.
Tuy nhiên, do có nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên từ đó đến nay, ít nhất hai lần Hội đồng xét xử của TAND huyện Tân Lạc ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Lần gần đây nhất, TAND đề nghị cơ sở xác định giá trị thiệt hại của xe ô tô BKS 29A-116.92.
Vụ tai nạn giao thông tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình: Vì sao kéo dài tới 7 năm?
Khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông
Giao xe trước khi  định giá
Cho đến nay, nhiều tình tiết vẫn chưa được các cơ quan tố tụng của huyện Tân Lạc làm rõ và đương nhiên không được đề cập đầy đủ. Kết luận điều tra và Cáo trạng đều cho rằng xe của bị cáo Đản đâm vào xe do anh Lê điều khiển mà không làm rõ việc bị cáo khẳng định xe của anh Lê đâm vào xe mình. Thậm chí đến nay, tốc độ xe do anh Lê điều khiển vẫn chưa được làm rõ.
Bị cáo Đản cho rằng bản thân đã đánh lái sang làn đường bên kia là do phải tránh hai người dân tộc điều khiển xe máy cùng chiều, sau đó vượt phải đánh lái cắt mặt xe ô tô. Nếu không đánh lái kịp thời, nếu đi với vận tốc cao chắc chắn sẽ khó xử lý được tình huống trên. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được các cơ quan tố tụng làm rõ.
 Theo Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA (C11) ngày 05/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an thì: “Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định).” (điểm a Khoản 1 Điều 10). Theo Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTC-BCA ngày 24-10-1998 hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự thì trước khi giao tài sản là vật chứng cho chủ sở hữu …sử dụng thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án phải thành lập Hội đồng định giá tài sản gồm đại diện của cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án, cơ quan tài chính cùng cấp và các chuyên gia.
Trên thực tế, Cơ quan CSĐT đã đi ngược lại những quy định này. Theo ông Đản cung cấp, tại Biên bản khám phương tiện ngày 29/5/2012 thể hiện xe ô tô BKS 29A-116.92 hỏng khoảng 18 chi tiết. Ngày 11/7/2012, CQCSĐT có quyết định trưng cầu định giá tài sản để xác định thiệt hại đối với xe BKS 29A-116.92 và đến ngày 24/8/2012 mới có Biên bản kiểm tra thực trạng xe. Ngày 04 và 28/9/2012 Hội đồng định giá tài sản mới tổ chức kiểm tra hiện trạng thực tế của tại Công ty Ngôi sao Việt Nam- quận Long Biên, Hà Nội. Nhưng trước đó, ngày 11/6/2012, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Lạc đã trả phương tiện (xe BKS 29A-116.92) cho ông Trần Đình Cẩn (chủ đứng tên chính thức). Ngay sau đó, anh Trần Mai Lê đã tự đưa xe này đi để sửa chữa, kiểm tra và có báo giá của Công ty ô tô Ngôi sao Việt Nam ngày 12/6/2012.
Theo Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc CQCSĐT trả lại tài sản cho chủ sở hữu  trước khi định giá tài sản là không đúng quy định, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Hậu quả là việc phát sinh thêm 111 chi tiết so với 18 chi tiết được khám nghiệm ban đầu sẽ không có căn cứ để xem xét. Như vậy, căn cứ nào để chứng minh xe hỏng tới trên 100 chi tiết mà không có sự chứng kiến của Hội đồng định giá tài sản cũng như ông Đản? Việc Công ty ô tô Ngôi sao Việt Nam báo giá là 1.749.206.690 đồng không phải là cơ sở chính để đưa ra căn cứ về thiệt hại, bởi rất có thể trong số rất nhiều hạng mục được đưa ra sẽ không liên quan đến vụ tai nạn. Mặt khác, báo giá cũng chỉ mang tính chất tham khảo chứ không phải là căn cứ bắt buộc chủ xe hoặc bên nào đó phải tuân theo.
Dù có “lỗ hổng” trong việc định giá nhưng cuối cùng, Cơ quan CSĐT vẫn lấy con số thiệt hại 1.024.476.000 đồng để buộc bị cáo Đản vào điểm đ khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999. Đáng lưu ý, đến nay tang vật là hai chiếc ô tô không còn nữa vì đã bị chủ xe đem bán.
Tống Toàn

http://congly.vn/phap-luat/ho-so-vu-an/vu-tai-nan-giao-thong-tai-huyen-tan-lac-hoa-binh-vi-sao-keo-dai-toi-7-nam-262616.html

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

KHÓA BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG: PHÁP CHẾ VỚI KỸ NĂNG NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ RỦI RO PHÁP LÝ TRONG DOANH NGHIỆP

KHOÁ BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG
PHÁP CHẾ VỚI KỸ NĂNG NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ RỦI RO PHÁP LÝ TRONG DOANH NGHIỆP
KHOÁ HỌC NÀY DÀNH CHO AI?
Bạn là sinh viên Luật mới tốt nghiệp hoặc là người có chuyên môn Luật, có mong muốn được thử sức trong môi trường Doanh nghiệp với vai trò Pháp chế, một công việc ổn định phù hợp với chuyên ngành mình đã học. Nhưng nếu chưa từng làm trong Doanh nghiệp, chưa từng tiếp xúc với các vấn đề rủi ro pháp lý thường phát sinh từ hoạt động hàng ngày của Doanh nghiệp, bạn không thể hình dung mình sẽ làm gì, sẽ gặp phải những vấn đề gì và sẽ giải quyết các vấn đề đó ra sao. Bạn cũng khó có thể hình dung bạn sẽ tương tác với các Phòng, Ban khác trong Doanh nghiệp ra sao, làm thế nào để bạn tác nghiệp một cách chuyên nghiệp với các đơn vị trong hệ thống và kiểm soát được những rủi ro pháp lý?
Khoá học BASIC sẽ cung cấp cho học viên:
v Những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bạn có được sự tự tin bắt đầu công việc của một chuyên viên pháp chế.
v Những khái niệm căn bản nhất về địa vị pháp lý của Chuyên viên pháp chế Doanh nghiệp, những công việc cơ bản mà bạn sẽ tiếp cận và giải quyết.
v Cách thức và kỹ năng phối hợp giải quyết công việc với các bộ phận chuyên môn của Doanh nghiệp.
v Kỹ năng xử lý các loại văn bản, Hợp đồng, quy chế thông qua các phần thực hành thực tế
v Kỹ năng xử lý công việc cá nhân và kỹ năng xử lý công việc theo nhóm
v Kỹ năng xử lý mâu thuẫn phát sinh
Nếu bạn đang chuẩn bị tham gia vào một Doanh nghiệp với vị trí của Chuyên viên pháp chế, Khoá học này là cần thiết và thực sự hữu dụng đối với bạn.
Văn phòng luật sư Huỳnh Nam đã và đang bồi dưỡng và giới thiệu việc làm thành công cho nhiều học viên tốt nghiệp chuyên ngành Luật.


NHỮNG KỸ NĂNG HỌC VIÊN TIẾP CẬN VÀ THỰC HÀNH TRONG KHOÁ HỌC
TỔNG QUAN: Ý THỨC VỀ PHÁP CHẾ TRONG DOANH NGHIỆP
KỸ NĂNG: 
A. QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP THÔNG QUA QUY TRÌNH, QUY CHẾ
B. PHÂN LOẠI RỦI RO PHÁP LÝ, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
I.    NHÓM RỦI RO CHỦ QUAN (CÓ THỂ LƯỜNG TRƯỚC ĐƯỢC)
1.    NHÓM RỦI RO NỘI BỘ
a)    Tranh chấp thành viên góp vốn, thành viên Ban điều hành: 
b)    Tranh chấp lao động: 
c)    Tranh chấp bảo hiểm xã hội:    
2.    NHÓM RỦI RO BÊN NGOÀI
a)    Tranh chấp hợp đồng:    
b)    Tranh chấp ngoài hợp đồng:     
3.    NHÓM TRANH CHẤP VỚI CƠ QUAN NHÀ NƯỚCa)   Nghĩa vụ thuế:     
b)   Nghĩa vụ bảo hiểm xã hội:     
c)   Vi phạm hành chính: 
II.    NHÓM RỦI RO KHÁCH QUAN (KHÔNG THỂ LƯỜNG TRƯỚC ĐƯỢC)
1.    NHÓM RỦI RO DO CHÍNH SÁCH: 
v2.    NHÓM RỦI RO KHÁCH QUAN KHÁC: 
 THỜI GIAN
KHOÁ HỌC
THỜI GIAN
Khoá học BASIC
02 ngày (04 buổi)
Khoá học nâng cao
02 ngày (04 buổi)
Khoá học chuyên sâu
02 ngày (04 buổi)

Giảng Viên chính
1. Luật sư Hoàng Thu Yến
§  Luật sư tư vấn chuyên nghiệp về lĩnh vực pháp lý cho Doanh nghiệp.
§  Thành viên Đoàn luật sư Hà Nội (17 năm hành nghề).
§  Giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Thành
§  Thạc sĩ Luật Dân sự  – Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.
§  Giảng viên môn Kỹ năng luật gia nâng cao và môn Tư duy pháp lý trong nghề luật – Đại học Luật Hà Nội.
§  Kinh nghiệm làm pháp chế một số Tập đoàn, hiện là pháp chế MBLand Holdings.
2.Luật sư Hoa Hoàng Nhật
§  Luật sư tư vấn chuyên nghiệp về lĩnh vực pháp lý cho Doanh nghiệp.
§  Thành viên Đoàn luật sư Hà Nội (16 năm hành nghề).
§  Phó Trưởng văn phòng- Văn phòng luật sư Huỳnh Nam.
§  Kinh nghiệp làm pháp chế Doanh nghiệp, hiện là Phó phòng pháp chế Bệnh viện Thu Cúc.
3. Luật sư Huỳnh Phương Nam
§  Luật sư tư vấn chuyên nghiệp về lĩnh vực pháp lý cho Doanh nghiệp.
  • Thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội (20 năm hành nghề).
§  Trưởng văn phòng- Văn phòng luật sư Huỳnh Nam.
§   Thạc sĩ Luật Dân sự  – Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ưu đãi:
v  20 học viên đầu tiên đăng ký Khoá học BASIC sẽ được hưởng mức học phí ưu đãi 50%.
v  Học viên có kết quả thực hành tốt sẽ được ưu tiên giới thiệu việc làm tới các đối tác của Văn phòng luật sư Huỳnh Nam.
v  Mọi thông tin về khóa bồi dưỡng, vui lòng liên hệ: Văn phòng luật sư Huỳnh Nam
 Đc: 348 đường Bưởi, Q.Ba Đình, Hà Nội
 ĐT: 024.22190099 – 22406699  -       Ls Hoàng Thu Yến: 0944798868