Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Vụ “quan tài diễu phố”: Bị cáo tố bị ép cung

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Viết tiếp Vụ quan tài diễu phố ở Vĩnh Phúc: Mảng tối chưa được làm rõ

Viết tiếp Vụ quan tài diễu phố ở Vĩnh Phúc: Mảng tối chưa được làm rõ


Chính sách & Pháp luậtPháp luật
Thứ ba, 03/9/2013 6:22 GMT+7
Ngày 31/8/2013, chúng tôi đã có bài viết: Vụ quan tài diễu phố: Nạn nhân bị giết, không phải chết do ngạt nước.
Trong đó có nhắc tới việc Luật sư và gia đình bị hại Nguyễn Tuấn Anh (Phố Cả, Hội Hợp, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã có văn bản yêu cầu Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, song đến nay Tòa án vẫn chưa có văn bản trả lời yêu cầu của Luật sư và gia đình bị hại, mặc dù đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Vậy, những vấn đề mà Luật sư yêu cầu làm rõ, điều tra bổ sung là gì? Có thể hiện sự điều tra còn chưa đầy đủ, để sót người lọt tội hay không? Tamnhin.net tiếp tục có bài phỏng vấn Luật sư Lê Thị Oanh (Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư Hà Nội) – người bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại về vấn đề này.

>> Vụ quan tài diễu phố: Nạn nhân bị giết, không phải chết do ngạt nước?!

Phóng viên: Thưa Luật sư, Luật sư có yêu cầu Tòa án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung dựa trên cơ sở nào?

Luật sư Lê Thị Oanh: Mới chỉ căn cứ vào hồ sơ điều tra, chưa căn cứ vào chứng cứ gia đình cung cấp, qua nghiên cứu hồ sơ, thấy hồ sơ rất hổng, việc điều tra chưa toàn diện. Những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự chưa được làm sáng tỏ.

Căn cứ vào Điều 59 và Điều 168, Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về “Người bảo vệ quyền lợi của đương sự”, “Trả hồ sơ để điều tra bổ sung” và “Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung”, cũng như Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA ngày 27/08/2010 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Công an “Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung” (gọi tắt là Thông tư 01/2010). Từ đó, tôi nêu rõ những tình tiết để Tòa án làm rõ, đảm bảo việc điều tra, xét xử vụ án được khách quan, tòa diện và làm sáng tỏ sự thật của vụ án.

PV: Các điều luật và văn bản luật mà Luật sư vừa viện dẫn quy định cụ thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung là vì sao?

Luật sư L.T.O: Điều luật quy định: Luật sư có quyền đưa ra đồ vật, tài liệu, yêu cầu và phải sử dụng mọi biện pháp do luật định để góp phần làm rõ sự thật của vụ án.

Còn thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa, sau khi nghiên cứu hồ sơ có quyền ra quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:

“a) Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;
b) Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác;
c) Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;…”.

Thông tư 01/2010 đã cụ thể hóa rất chi tiết những trường hợp trên để Viện Kiểm sát, Tòa án có căn cứ ra quyết định, còn Công an khi phải nhận lại hồ sơ để điều tra bổ sung cũng phải “tâm phục khẩu phục”.

Đối chiếu với hướng dẫn của liên ngành trên với hồ sơ vụ án Phùng Mạnh Tuấn và đồng bọn phạm tội “Giết người”, “Không tố giác tội phạm”, “Che giấu tội phạm” trên, tôi thấy đã phạm vào những điểm phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung như: ở Điều 1 là thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án; Có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác (Điều 2) và có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác (Điều 3); Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (Điều 4).

PV: Đề nghị Luật sư cho biết cụ thể hơn về từng trường hợp vi phạm trên. Trước hết là việc hồ sơ điều tra thiếu chứng cứ quan trọng?

Luật sư L.T.O: Đó chính là điểm b, Điều 1 của Thông tư, thiếu chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào?

Trong vụ án này, kết luận của cơ quan điều tra cho rằng, nạn nhân bị 06 đối tượng dồn đuổi đánh ngã xuống kênh nước chết ngạt vào lúc nửa đêm 14 rạng sáng ngày 15/3/2017. Đến lúc phát hiện xác là 57 tiếng. Thế nhưng, kết luận giám định của pháp y Vĩnh Phúc cũng như của Bộ Công an không thể hiện được tử thi bị ngâm nước trong bao lâu? Có trùng khớp với thời giam các đối tượng phạm tội khai không?

Đấy là chưa kể, Kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự – Tổng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm – Bộ Công an không đúng quy định pháp luật, cơ quan này không tiến hành hoạt động giám định riêng gì cả mà “ăn theo” kết luận giám định pháp y Vĩnh Phúc.

Mặt khác, đồng hồ điện thoại của nạn nhân “dừng hình” vào lúc 3 giờ kém 05. Nhưng cơ quan điều tra không làm rõ thời gian này là vào ngày nào? Ngày 14, 15 hay 16 hoặc ngày 17/3/2013? Thế thì làm sao có căn cứ xác định điện thoại ngâm dưới nước cùng với người đuối nước vào đêm 14 rạng sáng ngày 15/3 được?

Nghiêm trọng hơn, đây là vụ án phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và việc phát hiện tội phạm không quả tang nên phải thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường để xác định tính chính xác của lời khai của các bị cáo. Vậy mà, cơ quan công an và Viện Kiểm sát tỉnh này không cho làm điều này.

Ngay sau khi nhận được kết luận điều tra, thấy có ghi diễn biến vụ án có đoạn như sau: nạn nhân bị đánh, nhảy xuống nước và chìm trôi từ kênh 2A một đoạn ngắn rồi bị nước cuốn trôi vào kênh 2B và mắc vào cành cây do thợ điện chặt vứt xuống rệ kênh 2A và bị nước cuốn trôi vào kênh 2B. 

Điều đáng nói là kênh 2B là kênh nhánh, vuông góc với kênh 2A, tôi đã cùng người nhà nạn nhân chặt một cành cây tương tự như cành cây cơ quan điều tra thu tại nơi phát hiện xác nạn nhân vứt xuống kênh 2B tại thời điểm mức nước tương tự như đêm 14 rạng ngày 15/3 (có xác nhận mức nước của cơ quan thủy nông) thì thấy, cành cây không bị cuốn trôi từ kênh 2A sang kênh 2B được. Nếu vứt cành cây thẳng xuống kênh 2B thì nó lại trôi tuột sang phía đầu cống bên kia chứ không mắc giữa dòng như kết luận điều tra.

Thêm nữa, người nhà nạn nhân đã cho một người có chiều cao và cân nặng tương tự như nạn nhân, ngậm tiô trong miệng để thở mà nằm sấp mặt xuống dòng kênh như cách cơ quan điều tra miêu tả nạn nhân bị đánh trôi dưới nước và cho trôi tự do thì không thấy người trôi được từ kênh 2A vào kênh 2B.

Chính vì vậy, gia đình đã yêu cầu Viện Kiểm sát cho dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra để đảm bảo tính khách quan của vụ án. Vì theo gia đình, cũng như quan điểm của tôi trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ thì có dấu hiệu nạn nhân phải bị đánh chết, rồi giấu xác phi tang chứ không phải như cơ quan công an kết luận.
Song đáng tiếc, Viện Kiểm sát có công văn trả lời, việc này là không cần thiết vì lời khai của các bị cáo đã thống nhất.

Điều này là sai quy định pháp luật. Vì theo nguyên tắc đánh giá chứng cứ theo Điều 66 và Điều 72 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì, không được dùng duy nhất lời khai của bị cáo làm căn cứ kết tội nếu không phù hợp với các tình tiết khách quan khác của vụ án thể hiện ở chứng cứ vụ án. Trong đó có việc dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra.
…vv…vv..

PV: Vậy, còn việc có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác (Điều 2) là như thế nào? 

Luật sư L.T.O: Theo điểm b, Điều 2 thì “ngoài tội phạm đã khởi tố và điều tra, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can về một hoặc nhiều tội khác”.

Hồ sơ trong vụ án thể hiện, khi 06 đối tượng phạm tội giết người trong vụ án này là: Phùng Mạnh Tuấn, Phùng Đắc Tú, Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Bình, Đặng Quốc Tú vừa truy sát nạn nhân xong, Nguyễn Anh Tuấn có đứng ngay gần đó và biết các đối tượng này: vừa đánh một thằng, chìm dưới kênh 4, 5 phút không thấy nổi lên, chắc nó chết rồi, thì Tuấn bảo: nó chết kệ mẹ nó, anh em mình đi uống rượu.

Ngày hôm sau, 15/3, gia đình nạn nhân nhốn nháo đi tìm tại kênh nước – nơi xảy ra việc truy sát nạn nhân đêm 14 rạng sáng ngày 15/3, cũng là sau nhà Tuấn có biết, vì 06 đối tượng trên ở nhà do Tuấn quản lý. Lúc đó, Tuấn còn bảo Bình Cong và Tình trốn đi, công an bắt thì chết. Sau đó, Tuấn lại cho Bình vay 2 triệu để bỏ trốn. Tối ngày 15/3 các đối tượng gây án hầu như đã bỏ trốn chỉ còn Đặng Quốc Tú – theo kết luận điều tra – là đối tượng khởi đầu cho nguyên nhân xô xát giữa Tuấn Anh (nạn nhân) với nhóm của Quốc Tú vẫn ung dung ở lại nhà do Tuấn quản lý, không đi đâu cả cho đến khi bị bắt giam vào tối ngày 17/3.

Vậy mà, sáng 16/3/2013, Tuấn lên làm việc với cơ quan công an nhưng không khai báo gì về hành vi phạm tội của bọn Quốc Tú, Mạnh Tuấn… cũng như Bình Cong. Và ngày 17/3 khi đã tìm được xác nạn nhân do nhóm Mạnh Tuấn, Tú… truy sát, Nguyễn Anh Tuấn cũng không báo các đối tượng gây án cho cơ quan công an.

Cơ quan chức năng đã khởi tố, truy tố Tuấn về tội “Che giấu tội phạm” với hành vi giúp tiền cho Bình Cong bỏ trốn, khi biết Bình Cong có hành vi giết người. Mà Bình thực hiện hành vi cùng nhóm 6 đối tượng, nên việc Tuấn biết các đối tượng còn lại cũng có hành vi như Bình mà không tố giác với cơ quan chức năng là đã phạm vào tội “Không tố giác tội phạm” giống như Nguyễn Duy Hiệp – nhân chứng quan trọng của vụ án này.

Cơ quan chức năng chưa khởi tố Tuấn về tội “Không tố giác tội phạm” là rõ ràng đã bỏ lọt tội phạm.

PV: Vậy, còn phần có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác?

Luật sư L.T.O: Đây chính là phần tôi đặt vấn đề về sự liên quan của Trần Khánh Dũng – con rể của ông Phùng Quang Hùng và một số đối tượng khác như Nguyễn Kim Soạn – Chủ quán ăn, Hoàng Văn Ước, Sơn sống cùng nhà với Trần Khánh Dũng để yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ.

Tài liệu trong hồ sơ thể hiện, Dũng là người quản lý nhóm đối tượng gây án trên. Tại nhà riêng, sống cùng vợ chồng Dũng. Hồi 24 giờ, ngày 14/3/2013, Ước, Sơn và một người – cùng làm thuê cho Dũng, từ nhà Khánh Dũng – cách nơi gây án khoảng hơn 100m có nghe ồn ào và chạy ra xem. Thấy nhóm gây án – vừa ăn tối cùng với ba người này tại nhà Khánh Dũng – đang đi tới gần bụi chuối đứng cách nơi gây án gần chục mét, lúc này Mạnh Tuấn làm rơi con dao, Sơn còn nhặt lên cắm vào thân cây chuối. Rồi sau đó, ba người này đi về nhà nơi ở của Khánh Dũng.

Vậy, vấn đề đặt ra là, các đối tượng này về có báo cáo lại việc “quân” của Dũng vừa đánh nhau hay không? Mặc dù Dũng khai hôm đó đã đi ngủ sớm không biết có việc đánh nhau, cũng không gọi điện cho 06 đối tượng trên. Thế nhưng, cơ quan chức năng đã không làm rõ trong danh bạ, số điện thoại gọi đi, gọi đến của cả 06 đối tượng phạm tội giết người và của Nguyễn Anh Tuấn cùng Trần Khánh Dũng và những người làm cùng công ty có liên lạc với nhau không? Kể cả trong đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15, ngày 16, 17/3/2013.

Trong khi, 15 giờ ngày 15/3/2013, người nhà Tuấn Anh đã gọi điện cho Dũng nhờ Dũng tìm hộ cháu bị “quân” của Dũng đánh bên bờ kênh từ tối hôm qua chưa về? Vậy nên cần phải làm rõ, điện thoại liên lạc của Khánh Dũng với các đối tượng trên trong thời gian này như thế nào? Nếu Khánh Dũng biết có tội giết người xảy ra mà không tố giác thì cũng phạm vào tội “Không tố giác tội phạm”. Nếu Khánh Dũng biết và chỉ đạo các đối tượng gây án vớt xác lên mang đi cấp cứu, hô hấp nhân tạo nhưng không cứu được người đành nhét xác vào cống phi tang thì lại phạm vào tội “Giết người” với vai trò đồng phạm.

PV: Còn về mặt vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì thể hiện thế nào, thưa Luật sư?

Luật sư L.T.O: Điểm n, Điều 4 Thông tư 01/2010 xác định, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là khi “có căn cứ để xác định có việc mớm cung, bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật”.
Nghiên cứu lời khai của người làm chứng và các bị can, tôi thấy có điểm bất thường là nhiều lời khai ghi ở bản tự khai của họ giống đến 95% so với chính bản hỏi cung và bản ghi lời khai do điều tra viên tiến hành. Giống không những ở nội dung, diễn biến mà cả những dấu chấm, phẩy ngắt câu và lỗi chính tả gần như là bản photocopy chép tay.

Ví dụ: nhân chứng quan trọng Nguyễn Duy Hiệp bị truy tố về tội “Không tố giác tội phạm”, trong hồ sơ vụ án có 07 bản tường trình + Kiểm điểm liên quan đến vụ án cùng với đó là 07 bản lấy lời khai + Bản cung do cơ quan điều tra tiến hành (từ bút lục 563 - 617). Đó là:

Sáng 17/3/2013, khi vụ án mới được khởi tố thì Điều tra viên Tạ Quốc Nam đã lấy lời khai của Hiệp, nội dung diễn biến vụ án ghi tại Bản tường trình của Nguyễn Duy Hiệp và Bản ghi lời khai giống nhau 100%. Còn câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy câu, dấu hai chấm, dấu ngoặc đơn chú thích, dấu ngoặc kép ghi lời thoại của Điều tra viên và nghi phạm viết giống nhau đến 90%. Thậm chí trong Bản ghi lời khai viết sai chính tả (lối dẽ) thì Bản tường trình của Hiệp cũng viết sai như vậy.

+) Đến sáng ngày 29/3 (lần lấy lời khai thứ hai) do Điều tra viên Nguyễn Duy Cường tiến hành, về nội dung diễn biến việc xảy ra án mạng thì bản tự khai của Nguyễn Duy Hiệp cũng không sai một tý nào so với nôi dung ghi trong bản lấy lời khai tại câu hỏi 01. Còn các dấu chấm phẩy, ngắt câu, ngắt dòng của Điều tra viên ghi trong Biên bản ở đâu thì trong bản tự khai của của Hiệp cũng chấm phẩy, ngắt dòng ở đó giống đến 95%.

Và trong ban ghi lời khai của Điều tra viên lúc này không dùng dấu ngoặc kép để thể hiện lời thoại giữa các đối tượng mà dùng dấu hai chấm thì trong bản khai của Hiệp cũng dùng dấu hai chấm?

+) Đến bản khai ngày 7/4/2013 do Điều tra viên Nguyễn Quang Hưng tiến hành có 9 trang viết thì 08 trang diễn biến sự việc ghi trong Biên bản lấy lời khai giống hệt như trong bản tường trình của Hiệp cả cách viết diễn tả, ngoặc đơn, ngoặc kép. Trong biên bản ĐTV dùng ngoặc kép thể hiện lời thoại thì Hiệp cũng viết như vậy. Văn phong thì giống hệt còn cách sử dụng câu thì giống đến 90%. Chỉ còn 01 trang là nội dung trong bản tường trình không ghi.

+) Hay đến bản lấy lời khai, bản cung ngày 12, 13, 15/4/2013 do Điều tra viên Nguyễn Duy Cường tiến hành cũng vậy. Bản lấy lời khai và bản tự khai ngày 12/4/2013 giống nội dung của 8/11 câu hỏi. Bản kiểm điểm của Hiệp ngày 13/4/2013 giống nôi dung bản cung như được chép ra từ 12/12 câu hỏi của Điều tra viên. Mỗi câu hỏi của Điều tra viên là một câu trả lời của Hiệp và trong bản kiểm điểm hiệp chép lại nhưng không liền dòng, liền mạch mà mỗi câu hỏi của ĐTV, Hiệp thể hiện trong bản kiểm điểm tự viết là một đoạn văn theo đúng thứ tự câu hỏi nên rất dễ nhận ra.

Rồi bản cung ngày 15/4/2013 cũng giống hệt, chỉ khác là các câu diễn văn trong bản kiểm điểm của Hiệp không lần lượt theo thứ tự cùng các hỏi của ĐTV mà đảo lộn thứ tự sắp xếp cho đỡ lộ mà thôi.

PV: Nhưng trong vụ án này báo chí đưa tin có Đại tá Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục cảnh sát - Bộ Công an về chỉ đạo trực tiếp việc điều tra vụ án. Vậy tại sao Luật sư lại cho rằng hồ sơ vụ án có thể có nhiều lỗi như vậy được?

Luật sư L.T.O: Trong hồ sơ vụ án, tôi không thấy có sự hiện diện nào việc chỉ đạo điều tra án từ ông Tiến và Bộ Công an cả. Tất cả người tiến hành tố tụng là của công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Tất cả những lỗi mà tôi nêu trên đều dựa theo chính hướng dẫn của Bộ Công an, Viện Kiểm sát tối cao, Tòa án tối cao chứ có phải do tôi tự “bịa” ra đâu.
Nhưng, nếu có sự chỉ đạo của ông Tiến mà hồ sơ như tôi thấy ở trên thì quả thực, tôi buồn lắm!?

PV: Cảm ơn Luật sư!

Tamnhin.net

Ý kiến của bạn
Cần làm rõ SỰ THẬT
Bài viết "sắc" và hay quá! Cần làm rõ sự thật vụ án, xử lý nghiêm minh theo pháp luật: đúng người, đúng tội.
nguyễn đức