Khoản 3, Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Ðiều này trong  trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.
Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trần Văn Độ phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TH)
Theo LS Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội, các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự là rất rộng, có đến 83 tội. Điều đó tác động tâm lý người bào chữa sẽ hình thức, vì sợ tai nạn nghề nghiệp vì việc khách hàng trình bày với luật sư là khách quan mà không thể lường hết được.
Trong khi đó, Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 quy định cứng LS không tiết lộ thông tin của  khách hàng, không quy định trừ trường hợp pháp luật quy định khác, nhưng khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 lại quy định tiết lộ thông tin do khách hàng cung cấp ở cấp độ cao hơn là tố giác tội phạm. “Điều này trái với đạo đức nghề của LS, làm xấu đi tình trạng của thân chủ mà mình bào chữa. Như vậy thì LS thực hiện theo Luật nào?”, LS Nguyễn Chiến đặt vấn đề.
Không những thế, LS Nguyễn Chiến cho rằng việc quy định như trên cũng dẫn đến hệ lụy quan hệ giữa luật sư với thân chủ. Nếu người bào chữa đi tố giác thân chủ của mình phải tận tâm để bảo vệ, bào chữa cho họ thì đương nhiên kể từ thời điểm luật sư tố giác, thân chủ sẽ mất niềm tin ở luật sư. Mặt khác, còn ảnh hưởng đến chính nghề nghiệp LS.
Đồng quan điểm, LS Huỳnh Phương Nam, Thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội cho rằng, xét về mặt hình thức, bằng quy định này, lần đầu tiên Bộ luật Hình sự thể hiện quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi này (không tố giác tội phạm) trong một số trường hợp, tuy nhiên, thực tế thì cũng sẽ gây nhiều khó khăn, bất lợi cho LS khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.
“Nếu không có sự chia sẻ thông tin một cách trung thực giữa người bị tình nghi, bị buộc tội với người bào chữa thì người bào chữa không thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ của mình. Vì vậy, vấn đề “Bí mật thông tin” của khách hàng đối với LS phải được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ của LS với khách hàng để bảo đảm tốt nhất lợi ích của khách hàng”, LS Huỳnh Phương Nam thẳng thắn nói.
Trước  ý kiến cho rằng, một LS cũng đồng thời là công dân, cũng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm như mọi công dân, có nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội, LS Huỳnh Phương Nam cho rằng việc luật sư tố giác khách hàng lại mâu thuẫn với việc LS  có nghĩa vụ giữ bí mật của khách hàng. “Trường hợp không tố giác thì vi phạm pháp luật- vi phạm nghĩa vụ công dân. Còn nếu tố giác thi vi phạm nguyên tắc đạo dức, ứng xử nghề nghiệp của mình”, LS Nam trăn trở. 
Nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng, có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề của Luật sư, LS Huỳnh Phương Nam  đề nghị sửa đổi, quy định quyền miễn trừ về tội này đối với người hoạt động nghề nghiệp bào chữa (kể cả người chưa/không được mời bào chữa) khi tiếp nhận thông tin từ khách hàng đến với mình; hoặc chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này đối với nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia và ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng (theo Khoản 4, Điều 9 BLHS 2015).
Dưới góc độ hành nghề, LS Tạ Văn Phú, Đoàn LS Bắc Giang cho rằng, quy định như trên sẽ dẫn đến việc LS rơi ngay vào tình trạng “vướng án” vì khi trao đổi với thân chủ để làm sáng tỏ vụ án, tất cả thông tin thân chủ cung cấp cần được giữ kín,  nếu tố giác có thể làm xấu đi tình trạng của thân chủ. “Quy định này dẫn đến việc LS rơi vào bẫy nhất định”, LS Phú băn khoăn.
Trên cơ sơ đó, đề nghị nên bỏ cụm từ “trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác”, đồng thời bổ sung thêm vào Điều 390 BLHS 2015 về Tội không tố giác tội phạm loại trừ khoản 3, Điều 19 Bộ luật này.
Ông Trương Văn Dũng, Hội luật gia TP Hà Nội tỏ ra băn khoăn: Điều Luật chưa quy định rõ phạm tội không tố giác có liên quan đến dịch vụ mình đang bào chữa  hay không?
Theo đại diện Hội luật gia, kinh nghiệm quốc tế và theo Luật Luật sư và BLTTHS 2015, đặc quyền về nghề nghiệp của LS là giữ bí mật thông tin cho khách hàng, nếu khách hàng biết được điều luật này thì e ngại mời LS . Vô hình chung là gây khó khăn chứ không phải tạo điều kiện cho LS.
“Cần xem xét kỹ lại, nếu chưa có luận cứ thuyết phục thì không nên đưa vào”, ông Dũng kiến nghị.
Tuy nhiên, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trần Văn Độ đề nghị, cần xác định và nhận thức rõ thế nào là bí mật khách hàng? Trách nhiệm của LS với thân chủ và LS với tư cách là công dân.
Ông Lê Đăng Doanh, giảng viên Bộ môn Luật Hình sự, Đại học Luật Hà Nội phân tích:  BLHS 2015 quy định cha, mẹ, con, vợ hoặc chồng của người phạm tội  xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng không tố giác cũng phạm tội. Vậy, so với mối quan hệ gia đình, mối quan hệ LS và khách hàng, thì mối quan hệ nào mạnh hơn?
Theo ông Doanh, việc đề xuất loại bỏ khoản 3, Điều 19 khỏi BLHS phải có căn cứ. Nếu bỏ thì nên bỏ nhóm “tội đặc biệt nghiêm trọng” và phải đặt mối quan hệ Nhà nước lên trên hết. 
Chỉ ra thực tế trước đây về nguyên tắc, nếu LS không tố giác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, ông Nguyễn Văn Hoàn, Vụ phó Vụ Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, thành viên Tổ Biên tập BLHS 2015 cho hay, với quy định lần này thực chất là hình thức  “giảm nhẹ” trách nhiệm  cho LS./.
Thu Hằng