Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Hai cuộc bào chữa nổi tiếng đi vào lịch sử thế giới

Hai cuộc bào chữa nổi tiếng đi vào lịch sử thế giới

 http://phaply.net.vn/bai-noi-bat/hai-cuoc-bao-chua-noi-tieng-di-vao-lich-su-the-gioi.html

(Pháp lý) – Fidel Castro và Hồ Chí Minh, hai vị Lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc khác nhau nhưng đều là những chiến sỹ cách mạng kiên trung, bất khuất, suốt đời đấu tranh cho con đường giải phóng dân tộc. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, họ đã đều phải trải qua những ngày tháng cần lao trong nhà tù, trải qua các phiên tòa xét xử hà khắc và bất công của chế độ độc tài, thực dân. Nếu như đất nước Cuba ghi nhớ cuộc bào chữa của Fidel Castro trước Tòa án của chế độ độc tài vào năm 1953 với câu nói nổi tiếng “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi” thì nhân dân Việt Nam không thể quên công ơn của vị luật sư người Anh Loseby đã bào chữa thành công cho Bác Hồ trong phiên tòa của Thực dân Pháp tại  Hồng Kông vào năm 1931.
Pháp lý xin giới thiệu đến bạn đọc vắn tắt hai cuộc bào chữa nổi tiếng đã đi vào lịch sử thế giới để thấy được đây không chỉ là hai cuộc bào chữa của lịch sử, của cách mạng mà còn là hai cuộc bào chữa của lịch sử tranh tụng, lịch sử tư pháp mà những người hoạt động trong ngành tư pháp cần mãi mãi ghi nhớ.
30.2 410x309 Hai cuộc bào chữa nổi tiếng đi vào lịch sử thế giới
Fidel Castro Ruz và Cuba – ngọn cờ cách mạng ở Châu Mỹ Latinh
Kỳ 1: FIDEL CASTRO VÀ “LỊCH SỬ SẼ XÓA ÁN CHO TÔI”
Khi nhắc đến Chủ tịch Fidel Castro của đất nước Cuba, cả thế giới không chỉ tôn thờ ông như một chiến sỹ cách mạng kiên cường, bất khuất, suốt đời chiến đấu cho lý tưởng cách mạng, vì độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân Cuba và các dân tộc trên toàn thế giới, mà còn thán phục ngợi ca tài hùng biện thiên bẩm cùng khả năng diễn thuyết tuyệt vời của ông. Khi đánh giá về tài năng này, nhiều luật sư nổi tiếng trên thế giới đều cho rằng, tài hùng biện của Chủ tịch Fidel Castro là một trong những điều bí ẩn đầy thuyết phục đối với mọi người cũng như đối với nhiều chính khách nổi tiếng khác trên thế giới.
Tháng 9/1960, Chủ tịch Fidel Castro đã lập kỷ lục Guinness khi diễn thuyết liền 4 giờ 29 phút tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Sau đó (1986), Chủ tịch Fidel Castro lại lập một kỷ lục thế giới mới khi diễn thuyết liền 7 giờ 10 phút tại Quảng trường La Habana. Thế nhưng cả thế giới sẽ không bao giờ quên bài tự bào chữa của người chiến sỹ cách mạng Fidel Castro khi mới 27 tuổi, sau khi anh bị chính quyền của Tổng thống Fulgencio Batista bắt và phải ra tòa vào  năm 1953. “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi” là câu kết của bài diễn văn tự bào chữa nổi tiếng của Fidel trong hơn 2 giờ đồng hồ trước phiên tòa của chế độ độc tài.
Từ một luật sư trẻ đến một tù chính trị bị biệt giam
Năm 1948, Carlos Prio Socarras, một nhà lãnh đạo của Đảng Cách mạng Cuba đã được bầu là vị Tổng thống thứ 16 của Cuba. Nhiệm kỳ điều hành đất nước của ông Carlos Prio Socarras đã đánh dấu bằng nạn tham nhũng và bạo lực chính trị gia tăng, nền kinh tế suy giảm. Trước tình hình đó, cả đất nước Cuba mong mỏi đến ngày bầu cử tiếp theo để họ bầu ra cho mình một vị Tổng thống mới của chính quyền dân sự theo đúng quy định của Hiến pháp.
Bất ngờ, ngày 10 tháng 3 năm 1952, Fulgencio Batista đã tận dụng thời cơ làm cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Carlos Prio Socarras, chỉ 3 tháng trước khi đất nước tiến hành bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới. Cuộc đảo chính của Batista đã phá vỡ trật tự hiến pháp của nước cộng hòa và thiết lập một chế độ độc tài quân sự, đàn áp dã man các tiếng nói phản kháng, đòi quyền tự do dân chủ của các tầng lớp nhân dân Cuba và nhất là học sinh sinh viên.
Ngay sau cuộc đảo chính của Batista, Fidel Castro một luật sư trẻ (sinh ngày 13 tháng 8 năm 1926) luôn đứng lên bênh vực những người nghèo, đã công bố một bức thư ngỏ ý tố cáo cuộc đảo chính bất hợp pháp và kêu gọi nhân dân đứng dậy đấu tranh chống lại chế độ độc tài quân sự.
Ngày 26 tháng 7 năm 1953, Fidel Castro đã chỉ huy cuộc tiến công của hơn 150 chiến sỹ cách mạng vào pháo đài Moncada ở thành phố Santiago de Cuba, tỉnh Oriente và trại lính Carlos Manuel de Cespedes ở Bayamo. Mặc dù cuộc tiến công pháo đài Moncada bị thất bại nhưng đó là một thắng lợi chính trị hết sức quan trọng đánh dấu một quá trình cách mạng, một bước ngoặt thay đổi lịch sử Cuba và Châu Mỹ La tinh.
Batista đã đàn áp dã man cuộc nổi dậy: 52 chiến sỹ cách mạng đã bị giết hại, 18 người khác bị bắt giữ và bị xử tù trong đó có Fidel Castro, Raul Castro, Juan Almeida và nhiều chiến sỹ cách mạng kiên cường khác.
Fidel đã bị bắt và biệt giam trong nhà tù tỉnh Oriente từ ngày 1 tháng 8 năm 1953. Tại đây ông đã viết những cáo buộc chế độ độc tài, chuẩn bị cho lời tự bào chữa của mình trong điều kiện hết sức khó khăn và hầu như không thể nói chuyện được với luật sư. Nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, nhất là nhân dân quanh khu vực nhà tù, một số viên cai ngục và nhân viên nhà tù, một số bạn tù khác…các chiến sỹ cách mạng đã liên lạc được với nhau và người chỉ huy đang bị biệt giam của mình. Qua đó Fidel đã nắm được các thông tin chi tiết trong và sau cuộc tiến công Moncada, đã có ý kiến chỉ đạo cho các chiến sỹ đối phó với các phiên tòa xét xử của chế độ độc tài. Anh đã suy nghĩ, đọc, viết không ngừng cho đến trước giờ bị đưa ra xét xử, để chuẩn bị cho không chỉ lời tự bào chữa mà còn là lời tố cáo chế độ độc tài. Mọi tài liệu, số liệu anh đã để lại xà lim, chỉ được ghi nhớ vào tâm trí trước khi bị đưa lên phòng xử án.
Ngày 21 tháng 9 năm 1953 chính quyền Batista đã bắt đầu xét xử những chiến sỹ cách mạng bị bắt giữ và các chiến sỹ Raul Castro, Juan Almeida, Haydee Santamaria, Melba Hernandez và nhiều chiến sỹ khác đã bị kết án tù.
Ngày 16 tháng 10 năm 1953 chúng bắt đầu phiên tòa xét xử Fidel Castro tại một phòng nhỏ dài và rộng mỗi chiều 4m, của trường y tá thuộc bệnh viện Civil thành phố Santiago de Cuba.
Và cuộc bào chữa đi vào lịch sử thế giới
Với kiến thức của một luật sư trẻ và tài năng thiên bẩm trong diễn thuyết, Fidel đã lần lượt làm rõ âm mưu của nhà tù Batista trong việc không muốn đưa anh ra xét xử công khai; vạch trần bản chất nhà nước vi hiến và cuộc đảo chính bất hợp pháp của chính quyền độc tài Batista; ca ngợi tinh thần quả cảm và tinh thần cao đẹp của cuộc đấu tranh mà mình và các chiến sỹ đã thực hiện; đặc biệt Fidel đã kêu gọi tinh thần cách mạng từ nhân dân và tuyên truyền về một nhà nước lý tưởng của dân, do dân, vì dân mà cuộc cách mạng của ông muốn đạt tới.
Trong suốt 2 tiếng đồng hồ, bài bào chữa của Fidel diễn ra liên tục, không bị bất kỳ vị thẩm phán nào trong phiên tòa ngắt quãng, cả khán phòng nín lặng lắng nghe từng câu từng chữ phát ra rành rọt hào hùng từ người chiến sỹ cách mạng, vừa là bị cáo, vừa là luật sư này.
30.1 Hai cuộc bào chữa nổi tiếng đi vào lịch sử thế giới
Fidel Castro thời trẻ…
Mở đầu cuộc bào chữa, Fidel vạch trần những âm mưu của chính quyền Batista đã vi phạm luật tố tụng và vi phạm những quyền cơ bản của con người như thế nào; đã tìm cách bịt miệng Fidel như thế nào và đã không muốn đưa người tù chính trị ra xét xử công khai như thế nào.
Fidel sắt đá, thâm thúy trong từng lời nói, ông khẳng định việc mình phải tự thực hiện quyền bào chữa cho bản thân tại phiên tòa bao gồm hai lý do: Một, tại vì thực tế chính quyền Batista đã tước đoạt hoàn toàn quyền được có luật sư bào chữa của ông. Hai, tại vì chỉ có người bị tổn thương rất sâu sắc và nhìn thấy Tổ quốc không được bảo vệ và luật pháp bị suy đồi mới có thể nói những lời nói là máu của trái tim, là bản chất của sự thật.
Fidel đã viện dẫn quy định của pháp luật về tố tụng, khẳng định việc một luật sư cần phải nói chuyện riêng với thân chủ của ông ta và quyền đó phải được tôn trọng ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này, ngoại trừ một người tù binh Cuba trong tay một chế độ bạo ngược không công nhận những nguyên tắc pháp lý và nhân đạo.
Kết thúc màn mở đầu – vạch trần những âm mưu hèn hạ của nhà tù Batista, Fidel chuyển sang đề nghị hết sức nhẹ nhàng: “Tôi chỉ có một đề nghị với Tòa án và tôi hy vọng Tòa sẽ đồng ý. Để bù đắp cho bao nhiêu sự phẫn nộ và cùng cực mà bị cáo này phải chịu đựng mà không được luật pháp bảo vệ, xin Tòa hãy tôn trọng quyền hoàn toàn tự do ngôn luận của tôi”.
Cả khán phòng xét xử (mà thực chất chỉ là căn phòng dài rộng 4m của bệnh viện Civil) tiếp tục nín lặng lắng nghe Fidel. Người chiến sỹ cách mạng bắt đầu nội dung quan trọng nhất của cuộc bào chữa – vạch trần nhà nước vi hiến của chế độ độc tài Batista. Fidel rất tài tình và khôn khéo khi vạch trần âm mưu bịt miệng của chính quyền Batista đối với ông trước, để sau đó là sự tố cáo ngược lại của một bị cáo đối với chế độ độc tài Batista – chính là những người đang đưa Fidel ra để xét xử.
Bằng kiến thức pháp luật vững chắc và khả năng lập luận tài giỏi của mình, Fidel vừa gỡ tội cho chính mình, vừa buộc tội cho bên đối địch: “Một nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Hình sự là bị đơn phải được xác định chính xác tội danh theo luật. Nếu không có luật chính xác áp dụng cho tội danh gây tranh cãi, thì không có tội. Điều khoản đó đã chỉ rõ: “sẽ kết án từ 3 đến 10 năm tù giam cho tác giả của một sự việc tiến tới kích động một cuộc nổi dậy của những người được vũ trang chống lại những chính quyền hợp hiến của Nhà nước…” Ngài công tố viên đang sống ở đất nước nào? Ai đã nói với ngài rằng chúng tôi đang tiến hành một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền hợp hiến của Nhà nước?”
Fidel tiếp tục lập luận: Thứ nhất, chế độ độc tài áp bức dân tộc không phải là chính quyền hợp hiến, mà là vi hiến: Nó sinh ra là để chống lại Hiến pháp, ngồi trên Hiến pháp, vi phạm Hiến pháp hợp pháp của nước Cộng hòa. Hiến pháp hợp pháp là hiến pháp bắt nguồn trực tiếp từ nhân dân có chủ quyền. Thứ hai, điều khoản đó nói rõ những chính quyền, nghĩa là số nhiều, không phải số ít, tại vì bộ luật kể đến trường hợp tam quyền phân lập của một nước Cộng hòa gồm: chính quyền Lập pháp, chính quyền Hành pháp và chính quyền Tư pháp để cân bằng và đối trọng với nhau. Fidel khẳng định, mình và các chiến sỹ đã phát động cuộc nổi dậy chống lại một chính quyền duy nhất, bất hợp pháp mà đang chiếm đoạt và quy các chính quyền tư pháp và hành pháp  của đất nước về thành một chính quyền.
Đi sâu vạch trần bản chất xấu xa hèn hạ của chế độ độc tài vi hiến của Batista, Fidel làm rõ sự bất hợp pháp của cuộc đảo chính diễn ra ngày 10 tháng 3 của Batista. Tiếp đó, Fidel khẳng định quân đội đã sai lầm như thế nào khi đã phục vụ Batista trong cuộc đảo chính để xây dựng một chính quyền độc tài quân sự.
Fidel bày tỏ sự căm phẫn vô cùng của mình, căm phẫn thay cho những quân nhân đang bị Batista lừa bịp, ông nhấn mạnh: sau thất bại trên con đường bầu cử, hắn và bè lũ chính trị gia xấu xa và mất uy tín, đã lợi dụng sự chán chường của những người lính đang bị bóc lột, sử dụng công cụ quân đội để leo lên nắm quyền trên lưng của những người lính, sau đó quay trở lại bóc lột họ.”
Với ánh mắt đầy kiêu hãnh và giọng nói hào hùng dõng dạc, Fidel thẳng thắn thừa nhận toàn bộ kế hoạch của mình và các chiến sỹ cách mạng trong cuộc đấu tranh, vì mục tiêu cao đẹp và vì tính nhân đạo của nhà nước cộng hòa.
Ngay sau đó, giọng Fidel trùng xuống khi anh nhắc đến những chiến sỹ cách mạng của mình, những người đã cùng mình chiến đấu trong cuộc tiến công ngày 26 tháng 7 năm 1953 mà hiện tại không rõ số phận của họ như thế nào: đã chết, đã bị bắt, bị tra tấn dã man…?
Dừng lại ít giây…Fidel tiếp tục màn bào chữa của mình – mà lúc này dường như đã chuyển sang tình thế khác: tố cáo ngược lại đối với kẻ đã đưa mình ra xử. Giữa hội đồng xét xử, chàng thanh niên mạnh mẽ bác bỏ những luận điệu bịa đặt xảo trá của Batista đối với cuộc tấn công của các chiến sỹ đồng thời tố cáo hành vi bỉ ổi của nhà tù Batista đã tra tấn và giết hại dã man những chiến sỹ cách mạng bị bắt sống; đã thực hiện chủ trương “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, đã tàn sát cả những dân lành vô tội; thậm chí còn thực hiện cả những hành vi đê hèn nhất là lột tiền, lột nhẫn của các chiến sỹ cách mạng đã bị chúng bắt giữ và giết hại. Song song với đó, Fidel ngợi ca sự quật cường của các chiến sĩ tù cách mạng.
Fidel vạch trần sự độc ác hèn hạ và sự vi phạm pháp luật của Batista trong việc đối đãi tù binh: “Ngày 27 tháng 7 trong diễn văn đọc tại khu trung tâm quân sự, Batista đã nói rằng lực lượng tấn công của chúng tôi đã có 32 người chết, đến cuối tuần đó, con số những người chết đã lên đến hơn 80 người. Những thanh niên đó đã chết ở mặt trận nào, tại nơi nào, trong những trận chiến đấu nào?…Trong khi ngược lại ở đây, 20 quân nhân đã trình diện từng là cựu tù binh của chúng tôi và theo chính lời họ khai, họ đã không bị một lời sỷ nhục nào. Trong khi ở đây, 30 quân nhân bị thương đã trình diện, nhiều người trong số họ bị thương trong trận chiến đấu ngoài đường phố nhưng không một ai bị giết…Vậy những chiến sỹ của chúng tôi đang ở đâu?”
Không nén nổi lòng căm hận, Fidel tuyên bố lời buộc tội: “Giết hại những người tù binh không được bảo vệ rồi sau đó nói rằng họ đã chết trong trận chiến đấu, đó là tất cả năng lực quân sự của các ông tướng ngày 10 tháng 3 sao?”.
Nén lại dòng cảm xúc của mình dành cho những đồng chí, những chiến sỹ cách mạng quả cảm, Fidel đi đến phần quan trọng cuối cùng của cuộc bào chữa và một sự hy hữu trong lịch sử xét xử đã xảy ra– cuộc xét xử trở thành cuộc kêu gọi tinh thần yêu nước, thức tỉnh tư tưởng cách mạng trong nhân dân, trong binh sỹ.
Fidel kêu gọi lòng yêu nước, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân về một cuộc cách mạng lật đổ chính quyền độc tài Batista. Ông khẳng định cuộc cách mạng nhất định sẽ thắng lợi, ông mang đến niềm tin cho nhân dân bằng những luận điểm vững chắc của mình: “Ngài công tố viên rất quan tâm muốn biết khả năng giành thắng lợi của chúng tôi. Những khả năng này dựa trên những lý do thuộc lĩnh vực kỹ thuật, quân sự và lĩnh vực xã hội…” Sức thuyết phục trong màn kêu gọi và thức tỉnh tinh thần cách mạng của Fidel đối với nhân dân và binh sỹ trở nên mạnh mẽ hơn khi ông Fidel tiếp tục khơi dậy niềm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Cuba đã xây dựng nhà nước Cộng hòa, xây dựng chính quyền dân sự như thế nào; đã chiến đấu với quân đội Tây Ban Nha trong phong trào khởi nghĩa ở Cuba vào những năm 1895 như thế nào – “chỉ chiến đấu với tay không và dao chặt mía”.
Tiếp đó, như một vị chính trị gia chuyên nghiệp, Fidel tuyên truyền về một nhà nước lý tưởng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân – là mục tiêu cuối cùng của cuộc cách mạng, của cuộc chiến đấu. Ông khẳng định 5 điều luật cách mạng sẽ được công bố nếu cuộc chiến đấu giành thắng lợi, đồng thời vạch trần thảm kịch khủng khiếp mà đất nước đang sống.
“Điều luật cách mạng đầu tiên là trả lại cho nhân dân toàn bộ chủ quyền và tuyên bố hiến pháp năm 1940 là bộ luật tối cao của đất nước, trong đó chỉ nhân dân mới có thể quyết định sửa đổi hoặc thay thế nó. Điều luật cách mạng thứ hai trao quyền làm chủ đất đai mà không bị cấm đoán và không thể chuyển nhượng cho tất cả những người nông dân, những người thuê đất, những người làm thuê, những người bị khánh kiệt…Điều luật cách mạng thứ ba cho phép công nhân viên chức quyền tham gia vào 30% lợi nhuận của tất cả các xí nghiệp công nghiệp, vận chuyển, mỏ…Điều luật cách mạng thứ tư trao cho người nông dân quyền tham gia vào 55% lợi nhuận của ngành mía đường…Điều luật cách mạng thứ năm ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản của tất cả những kẻ ăn cắp, biển thủ công quỹ của tất cả các chính phủ và cả những người thừa kế tài sản của chúng…”
Sau đó, để củng cố cho những nội dung mình đưa ra, Fidel mô tả, liệt kê một cách đầy đủ, chân thực về tấm bi kịch về mọi lĩnh vực mà đất nước đang trải qua dưới sự áp bức chính trị tàn bạo của Batista.
Lời đề nghị cuối cùng
Phiên tòa xét xử Fidel Castro được đánh giá là một phiên tòa kỳ lạ nhất, hy hữu nhất trong lịch sử xét xử của thế giới, không chỉ vì không gian, địa điểm, thành phần tham dự, vai trò của bị cáo đồng thời là người bào chữa, sự chuyển biến kỳ lạ của bị cáo thành người tố cáo…mà còn hy hữu và đặc biệt ở những phút cuối cùng: người chiến sỹ cách mạng ấy, người bị cáo đồng thời là người tố cáo ấy, đang phải tự bào chữa cho chính mình với một màn diễn thuyết, gỡ tội, luận tội hết sức thuyết phục và có thể nói là hoàn hảo, nhưng cuối cùng lại không hề yêu cầu một sự tuyên bố vô tội và trả tự do nào cho mình. Cả hội đồng xét xử, cả những người lính gác ở trong và ngoài hành lang như nín lặng và bàng hoàng lắng nghe từng câu từng chữ phát ra rành rọt hào hùng từ người chiến sỹ trẻ tuổi:
“Tôi kết thúc phần tự bào chữa của mình, tôi sẽ không làm như các luật sư khác luôn làm, là đề nghị trả tự do cho người được bào chữa. Tôi không thể đề nghị điều đó khi những đồng chí của tôi đang phải chịu đựng trên Đảo Thông sự tù đày nhục nhă. Các ngài hăy đưa tôi đến đấy để chia sẻ số phận cùng với họ, không thể tha thứ được khi những con người tự trọng bị chết hoặc bị tù trong một nước cộng hòa nơi mà tổng thống là một tên tội phạm, một tên trộm cướp.”
Trước vành móng ngựa nhưng hiên ngang như một tượng đài, Fidel Castro tuyên bố:
“Các ngày hãy kết án tôi, không quan trọng!
Lịch sử sẽ xóa án cho tôi.”
Và lịch sử đã thật sự xóa án cho anh – người chiến sỹ cách mạng Fidel Castro
Vâng, “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi” là câu kết của bài diễn văn tự bào chữa nổi tiếng của Fidel Castro trong hơn 2 giờ đồng hồ trước phiên tòa của chế độ độc tài. Phiên tòa kết thúc vào cuối ngày 16 tháng 10 năm 1953.Các thẩm phán của Batista đã không còn cách nào khác là kết án Fidel 15 năm tù.
Fidel bị đầy ra nhà tù Đảo Thông cùng với những chiến sỹ cách mạng khác. Ở đây họ đã tập hợp mở các lớp bồi dưỡng chính trị, văn hóa, đoàn kết vượt qua những khó khăn khắc nghiệt của nhà tù. Cũng chính tại đây, Fidel đã hồi tưởng và ghi lại bài diễn văn tự bào chữa của mình một cách bí mật tuyệt đối trước khi bị biệt giam vào tháng 2/1954. Tuy nhiên, các chiến sỹ cách mạng vẫn tìm mọi cách để duy trì thông tin liên lạc cả bên trong lẫn ra bên ngoài nhà tù.
Trước sức ép của dư luận trong và ngoài nước và cuộc đấu tranh của nhân dân Cuba, ngày 13/5/1955, Batista đã buộc phải trả tự do cho các chiến sỹ Moncada. Họ bị trục xuất sang Mexico và ở đây Fidel đã gặp Che Guevara, người sau này đã trở thành một huyền thoại của Cuba, Mỹ Latinh và trên toàn thế giới.
Cuộc cách mạng của nhân dân Cuba đã khởi đầu bằng cuộc tiến công pháp đài Moncada, với cương lĩnh cách mạng của “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi” và đã tiến tới giải phóng đất nước ngày 1/1/1959, như Fidel đã nói: “Trên dòng máu và sự hy sinh của những đứa con của mình, Cuba đã thành lập một Tổ quốc độc lập, cách mạng và xã hội chủ nghĩa hôm nay”.
Với “lịch sử sẽ xóa án cho tôi”, Fidel đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Cuba, Mỹ Latinh và trên toàn thế giới như một chiến sỹ cách mạng kiên cường, bất khuất, suốt đời chiến đấu cho lý tưởng cách mạng, vì độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân Cuba và các dân tộc trên toàn thế giới.
Lan Hương (tổng hợp)
(Theo “Fidel Castro Ruz – Lịch sử sẽ xóa án cho tôi” của Dịch giả Ngô Mạnh Dũng)