Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Hủy quyết định từ… “trên trời rơi xuống”?

Hủy quyết định từ… “trên trời rơi xuống”?

Thứ Ba, 16/10/2012 09:25
 

http://phapluatxahoi.vn/20121016085645173p1002c1020/huy-quyet-dinh-tu-tren-troi-roi-xuong.htm

(PL&XH) - Ông Lê Đình Thảo, SN 1961, trú tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, đã khởi kiện yêu cầu tòa hủy các quyết định của UBND huyện Ứng Hòa vì cho rằng, quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại.


Bà Nguyễn Thị Hới, vợ ông Lê Đình Thảo cho hay, họ được Xí nghiệp Dịch vụ sửa chữa truyền thanh - truyền hình Ứng Hòa cấp 65m2 đất ở thị trấn Vân Đình (trước là xã Liên Bạt) và UBND huyện Ứng Hòa phê duyệt ngày 19-3-1989. Theo đó, ông Thảo đã nộp 950.000 đồng để san nền và  sử dụng ổn định từ đó đến nay. “Bỗng dưng”, ngày 2-7-2003, UBND xã Liên Bạt cùng cơ quan chức năng của UBND huyện Ứng Hòa lập biên bản xác định diện tích đất trên là trái phép.

Ông Thảo bị buộc trả lại 65m2 đất mặt đường và được cấp trả 57m2 đất ở sâu phía trong, kèm tiền hỗ trợ là 8 triệu đồng. Hộ này than, riêng số tiền sử dụng đất phải nộp cho 57m2 đã “ngốn” 4.047.000 đồng (71.000 đồng/m2); với số tiền được hỗ trợ còn lại thì gia đình không đủ san nền, làm móng, chứ chưa nói đến xây nhà mới.

Nhà đất của ông Thảo liên quan đến các quyết định từ “trên trời xuống”.

Bởi lẽ đó, ông Thảo đã có đơn đến UBND huyện Ứng Hòa nêu rõ, diện tích đất gia đình mình đang sử dụng không phải là trái phép. Nếu thu hồi diện tích đất của gia đình ông thì phải nêu rõ mục đích, phương án bồi thường thiệt hại thỏa đáng và cấp đất tái định cư đúng quy định.

Ông Thảo khiếu nại, ngày 4-2-2005, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Công văn số 422 CV/UB-NC chuyển đơn của ông đến Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa xem xét giải quyết. Nhưng UBND huyện Ứng Hòa không trả lời hộ này lại ban hành Quyết định 494/QĐ-UB ngày 26-10-2005 về việc “tháo dỡ, di chuyển các công trình xây dựng trên đất sử dụng trái phép”. Tiếp đó, ngày 13-12-2006, UBND huyện Ứng Hòa ra Quyết định số 945/QĐ-UB giải quyết khiếu nại của ông Thảo. Không đồng tình, ông Thảo khởi kiện yêu cầu TAND huyện Ứng Hòa hủy Quyết định số 494/QĐ-UB, Quyết định số 945/QĐ-UB. Quá trình toà án cấp sơ thẩm thụ lý, ngày 6-5-2008, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa ra Quyết định số 283/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung 2 quyết định bị kiện trên (trước đây, 2 quyết định do “UBND huyện Ứng Hoà” ban hành, giờ sửa thành Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa; căn cứ ban hành quyết định, bổ sung thêm cụm từ “căn cứ Quyết định số 153/QĐ-UB ngày 8-4-1994 của UBND tỉnh Hà Tây…”). Cho rằng, đây là việc hợp thức hóa cho việc làm sai, ông Thảo đã bổ sung yêu cầu khởi kiện, đề nghị tòa hủy Quyết định số 283/QĐ-UBND. Nhưng Bản án số 01/2008/HCST ngày 22-5-2008, TAND huyện Ứng Hoà lại tuyên bác đơn của người khởi kiện.

Luật sư Huỳnh Phương Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Thảo cho rằng, Quyết định số 494 QĐ/UB, Quyết định số 945/QĐ-UB không đảm bảo cả về mặt hình thức, nội dung.

Về hình thức, theo Điều 20 Luật Khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết Khiếu nại đối với quyết định hành chính của mình. Thực tế, quyết định giải quyết khiếu nại này không phải là quyết định của Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa mà lại do UBND huyện Ứng Hòa ban hành (sai thẩm quyền). Trong khi đó, thời hạn giải quyết khiếu nại quá nhiều lần thời hạn mà Luật Khiếu nại, tố cáo quy định.

Về nội dung, đất hộ ông Thảo đang ở không phải là đất trái phép, vì được Xí nghiệp Dịch vụ sửa chữa truyền thanh - truyền hình Ứng Hòa cấp và UBND huyện Ứng Hòa phê duyệt năm 1989. Đáng nói, khi bị thu hồi đất, ông Thảo không nhận được quyết định thu hồi đất, không có phương án bồi thường thiệt hại, tái định cư theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24-4-1998; Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ.

Ngày 17-7-2007, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra Quyết định số 615 QĐ-UBND giải quyết khiếu nại của ông Thảo. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây (cũ) khẳng định, từ ngày 8-4-1994, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định số 153/QĐ-UB thu hồi đất của của một số cơ quan, trong đó có xí nghiệp Dịch vụ sửa chữa truyền thanh - truyền hình Ứng Hòa để giải quyết cho cán bộ, công nhân viên cơ quan huyện làm nhà ở. Nhưng, quyết định này không nói rõ diện tích nhà đất mà gia đình ông Thảo có nằm trong khu đất bị thu hồi hay không. Quá trình thu hồi đất và giải quyết khiếu nại, chưa lần nào UBND huyện Ứng Hòa nhắc tới Quyết định số 615 QĐ-UBND nêu trên.

“Sự việc đã sai lại càng sai hơn khi Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa ra Quyết định số 283/QĐ-UBND 6-5-2008 sửa đổi Quyết định 494 QĐ-UB, Quyết định số 945/QĐ-UB” – luật sư Nam nói. Đối chiếu với các quy định, 2 quyết định này do UBND huyện Ứng Hòa ban hành thì chỉ UBND huyện mới có quyền sửa đổi, bổ sung; Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa có quyền ký với tư cách thay mặt UBND chứ không thể ký với tư cách cá nhân mình để thay đổi. Mặt khác, bản thân Quyết định số 283/QĐ-UBND đã thừa nhận, UBND huyện Ứng Hòa ban hành văn bản trái thẩm quyền.

Từ Quyết định số 283/QĐ-UBND cho thấy, quá trình thu hồi đất của ông Thảo, UBND huyện Ứng Hòa chưa bao giờ căn cứ vào Quyết định số 153/QĐ-UB ngày 8-4-1994 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Những sai phạm này đã không được TAND huyện Ứng Hòa xem xét thấu đáo. Trên cơ sở trình bày của luật sư tại tòa, HĐXX cấp phúc thẩm của TAND TP Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm trên. Tòa cấp phúc thẩm nhận định, việc ông Thảo ở trên đất này là do Xí nghiệp Dịch vụ sửa chữa truyền thanh - truyền hình Ứng Hòa phê duyệt đồng ý. Theo đó, không có căn cứ khẳng định ông Thảo xây dựng trên đất không được phép sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc, các quyết định trên không đúng quy định.

Ngoài ra, luật sư Nam còn cho hay, 65m2 đất của hộ ông Thảo được thu hồi không phải để sử dụng vào mục đích công cộng mà giao cho ông Nguyễn Sinh V sử dụng(?).


    Bài, ảnh: Hoa Đỗ

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Hành trình giải án oan tại phường Đông Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình: Kỳ 1-Ông giám đốc về hưu và chứng bệnh "loạn thần tuổi già"

Hành trình giải án oan tại phường Đông Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

Kỳ1: Ông giám đốc về hưu và chứng bệnh "loạn thần tuổi già"

Thứ Tư, 10/10/2012 08:46
 

http://phapluatxahoi.vn/20121010085343696p1037c1054/ky1-ong-giam-doc-ve-huu-va-chung-benh-loan-than-tuoi-gia.htm

(PL&XH) - Cơ quan tố tụng kết luận, từ ngày 9-5 đến 22-8-2008, Tỉnh ủy Ninh Bình nhận được 50 bài viết nói xấu đích danh nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh với bút danh Hà Phong.


Theo truy tố của VKSND TP Ninh Bình, đầu tháng 5-2008, ông Đinh Đức Phiếu, SN 1945, nguyên Giám đốc Xí nghiệp in Ninh Bình, thường uống bia với bạn ở quán thuộc phường Đông Thành. Bên “chén tạc, chén thù”, có người nói chuyện về việc sắp xếp cán bộ, công tác tổ chức lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, TP của tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua.

Nhân chuyện này, ông Phiếu nảy tâm sự, viết bài “Chuyện có thật ở tỉnh quê - quyền lực gia đình trị” với bút danh Hà Phong. Tác giả viết về quá trình công tác của ông Đinh Văn H liên quan đến chuyện sắp xếp nhân sự ở một số cơ quan trong tỉnh. Ông Phiếu đã thuê đánh máy bài viết trên, pho to và gửi đi nhiều nơi.

Bà Thìn, đại diện cho chồng, trình bày trước tòa.
Cơ quan tố tụng kết luận, từ ngày 9-5 đến 22-8-2008, Tỉnh ủy Ninh Bình nhận được 50 bài viết nói xấu đích danh nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh với bút danh Hà Phong. Bút danh này còn mạo danh Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình gửi bài viết trên đến 36 đơn vị tập thể, cá nhân bịa đặt, bôi nhọ danh dự, uy tín đối với nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp trong tỉnh, cụ thể là 9 đồng chí. Việc làm này đã gây tư tưởng hoang mang, hoài nghi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

Cho rằng, đây là hành vi vu khống, ngày 2-10-2008, CQCA đã  khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phiếu và cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 8-10-2008, hồ sơ vụ án được chuyển sang VKSND tỉnh Ninh Bình rồi VKSND TP Ninh Bình vì thẩm quyền không thuộc cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh.

Gần 1 tháng sau, VKSND TP Ninh Bình có ra bản cáo trạng truy tố ông Phiếu về tội “Vu khống” và Bản án hình sự sơ thẩm số 135/2008/HSST ngày 1-12-2008, TAND TP Ninh Bình tuyên phạt bị cáo Đinh Đức Phiếu 5 năm tù về tội “Vu khống”. Sau đó, ông Phiếu kháng cáo. Nhưng vì lý do sức khỏe, giai đình đã xin đưa ông Phiếu điều trị nội trú tại BV tâm thần Hà Nội.

Luật sư Huỳnh Phương Nam, Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho ông Phiếu, cho hay, quá trình tham gia tố tụng, ông được gia đình cung cấp thông tin, tháng 1-2009, bị cáo có biểu hiện bệnh tâm thần và đã được đưa đi khám tại BV Tâm thần Trung ương. Các bác sĩ kết luận, ông Phiếu bị “rối loạn tâm thần”. Theo đó, ngày 14-1-2009, bệnh nhân này phải điều trị nội trú tại BV với tình trạng hoảng loạn, được chẩn đoán “loạn thần tuổi già”.

Mặt khác, hồ sơ vụ án cũng thể hiện, ông Phiếu từng điều trị tại BV Tâm thần tỉnh Ninh Bình. Do đó, luật sư đề nghị tòa trưng cầu giám định pháp y đối với ông Phiếu để làm rõ: Bị cáo có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không? Bị cáo có đủ năng lực trách nhiệm hình sự hay không?

Sau đó, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương có Biên bản giám định pháp y tâm thần số 44/GĐPYTT ngày 19-5-2010 kết luận, ông Phiếu bị rối loạn trầm cảm tái diễn; dấu hiệu bệnh từ năm 2005. Bệnh của ông Phiếu không thuyên giảm, dẫn đến bị cáo đã mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Ông Nam khẳng định, chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 13 BLHS, ông Phiếu phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; hành vi của bị cáo không thỏa mãn yếu tố về mặt chủ thể trong cấu thành tội phạm.

Trước khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Ninh Bình đã đưa bà Nguyễn Thị Thìn, vợ ông Phiếu, tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của ông. Đáng mừng, TAND tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 135/2008/HSST ngày 1-12-2008 của TAND TP Ninh Bình và tuyên ông Đinh Đức Phiếu không phạm tội “Vu khống”. Tòa cũng phán quyết đình chỉ vụ án, khôi phục danh dự và các quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Phiếu theo quy định của pháp luật.



    (Còn nữa)
     Bài, ảnh:  Hoa Đỗ

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung là đúng đắn

Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung là đúng đắn

http://phaply.net.vn/ben-khung-cua-tu-phap/ho-so-vu-an/toa-an-tra-ho-so-dieu-tra-bo-sung-la-dung-dan.html

Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung là đúng đắn
Tai nạn giao thông lỗi hỗn hợp
Theo Bản kết luận điều tra số 57/KLĐT (ĐTHS) ngày 06/3/2012 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) thì vào khoảng 17h40 phút ngày 30/6/2011tại Km11+800 đường Ngọc Hồi đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông, tại hiện trường có một chiếc ô tô chẹt chết người. Nguyên nhân được CQĐT xác định là do Nguyễn Văn Hưng (Cụm 2, Duyên Trường, Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) có giấy phép lái xe vượt từ làn xe máy qua làn xe tải trước một xe ô tô kéo rơ moóc biển kiểm soát 28H – 5764 (Rơ moóc BKS 28R – 0028) sang làn đường xe con. Tại làn đường giáp ranh giữa làn xe con và làn xe tải, Hưng vượt bên phải chạm tay lái vào một xe mô tô cùng chiều do Trần Văn Vĩnh – không có giấy phép lái xe điều khiển – chở anh Trần Văn Đinh ngồi sau. Hai xe mô tô va chạm tay lái gây loạng choạng. Cùng lúc đó, xe tải kéo rơ móc BKS 28H-5764 đang đi giữa làn xe tải và làn xe con đã tránh tai nạn bằng cách đánh tay lái sang trái lao hết sang làn đường xe con. Chẳng may, hai xe máy mất lái lại lao sang trái vào làn đường xe con nên xe ô tô đã chèn qua người Trần Văn Định và va chạm vào hai xe máy. Dù trước đó lái xe ô tô đã phanh gấp để lại vết trượt kép phanh hãm lực “chết” trên mặt đường cách nơi chèn qua người nạn nhân dài tới 18m (!?).Theo chuẩn đoán pháp y thì cái chết của anh Định là do đè ép của xe ô tô có khối lượng lớn.
4.126 410x272 Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung là đúng đắn
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng tại phiên tòa sơ thẩm.
Xác định Trần Văn Vĩnh không có giấy phép lái xe, điều khiển xe đi sai làn đường va chạm dẫn đến ngã là hành vi vi phạm hành chính, Cơ quan công an đã xử phạt tiền Vĩnh về hành vi này. Do lái xe ô tô khai lúc tai nạn xảy ra đang điều khiển xe với tốc độ 40km/h là phù hợp với tốc độ quy định nên không có lỗi. Do đó, không truy cứu trách nhiệm hình sự. Lỗi của vụ tai nạn giao thông này hoàn toàn do Nguyễn Văn Hưng vượt xe không đủ điều kiện an toàn theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ.
Căn cứ quy định pháp luật, Viện Kiểm sát huyện Thanh Trì truy tố Nguyễn Văn Hưng khoản 1 Điều 202 Bộ Luật Hình sự tội “Vi phạm quy định về điểu khiển giao thông đường bộ” có mức xử phạt cao nhất, tù có thời hạn là năm năm”.
Bị cáo kêu oan
Ngay sau khi biết mức xử phạt đối với mình có thể lên tới 05 năm tù giam, trong khi Việt và Vĩnh không bị xử lý hình sự, Hưng đã viết đơn gửi các cơ quan chức năng kêu oan.
Bởi ngay từ Đơn xin đầu thú và bản hỏi cung đầu tiên ngày 8/7/2011 – sau khi được đưa đi cấp cứu, điều trị về, lời khai của Hưng không khớp với Việt và Vĩnh là hai người vừa liên\ quan tới vụ tai nạn vừa có mặt tại hiện trường vụ tai nạn. Lúc đó, Hưng khai nhận có đi sai làn đường nhưng không vượt phải mà đi song song với một chiếc xe Dream phía bên tay phải của mình, sau đó chiếc xe này đi chậm và thụt lại. Tự nhiên Hưng thấy xe hơi loạng choạng và mất lái, rồi ngã. Thế nhưng, đến các ngày 8/12/2011 và ngày 2/1/2012, Hưng có hai lời khai tại cơ quan điều tra cùng hai bản kiểm điểm gửi Công an huyện Thanh Trì, trong đó khai lại là Hưng vượt phải xe Vĩnh gây va chạm, dẫn đến hai xe cùng đổ ra tại nơi va chạm cho phù hợp với lời khai ban đầu của Việt vào ngày 1/7/2011 sau ngày xảy ra tai nạn 01 ngày và của Vĩnh sau đó là do ngày 22/8/2011, Việt đã hỗ trợ 100 triệu đồng và ngày 13/10/2011, Hưng cũng hỗ trợ gia đình nạn nhân 10 triệu đồng, gia đình nạn nhân viết đơn bãi nại cho Việt và Hưng nên cán bộ điều tra hướng dẫn Hưng khai cho khớp các lời khai của người khác để khép lại vụ án vì hai bên đã giải quyết dân sự với nhau xong rồi?
Nhiều tình tiết chưa được làm rõ
Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam – Trưởng Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, trong vụ án này, hồ sơ thể hiện, việc điều tra chưa được toàn diện và thiếu thống nhất.
Thứ nhất là: Biên bản khám nghiệm và bản vẽ hiện trường vụ tai nạn giao thông do Cảnh sát giao thông lập ngay sau thời điểm xảy ra tai nạn khoảng 45 phút cho thấy việc cho rằng Hưng vượt phải gây va chạm là thiếu thuyết phục, bởi:
Tại hiện trường xe Vĩnh và xe Hưng nằm cùng một chỗ. Xe của Hưng đổ sang bên trái đường, nằm ngay sát dải phân cách phía tay trái, quay ngược chiều với xe của Vĩnh. Phần lớn xe máy nằm trong gầm đầu xe ô tô, bánh xe trước của Hưng sát với bánh xe ô tô. Còn bánh xe ô tô thì chèn hẳn lên mép dải phân cách bên trái.
Xe Vĩnh nằm bên phải và đổ nghiêng sang bên tay phải cách dải phân cách khoảng 1,8 – 2,0m, bánh trước xe máy cách đầu xe ô tô khoảng 0,5m. Bánh xe trước xe Vĩnh sát vào bánh sau xe Hưng. Trước khi nằm gần xe Hưng, xe Vĩnh đã để lại một vết cày mài trên đường dài đến 23,6m. Điểm bắt đầu của vết cày mài là từ làn xe tải ngay sát với vết phanh “cháy” trên đường của xe ô tô và kết thúc ở chỗ để chân xe máy nơi các xe đã dừng lại. Vết mài này trượt trùng với lốp ô tô. Và trên vết mài không đứt đoạn đó kéo dài được khoảng 18m là vị trí anh Định bị xe ô tô cán qua gây tử vong.
Xe ô tô và rơ moóc để lại vết phanh cháy trên đường khoảng 30m. Ngoài ra không phát hiện dấu vết gì khác.
Như vậy, có thể thấy xe Vĩnh đã đổ trước xe Hưng ít nhất là 20m chứ không phải là hai xe đổ cùng một lúc. Chỉ có xe Vĩnh là bị ô tô rê đẩy đi để lại vết mài trên đường chứ không có xe của Hưng.
Thứ hai: Trong “Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông” của Công an huyện Thanh Trì một số dấu vết trên xe ô tô do Việt lái, xe mô tô của Hưng và Vĩnh không được thể hiện đầy đủ và rõ đặc điểm. Vì vậy, khi gửi Viện khoa học Hình sự – Bộ Công an giám định dấu vết va chạm, cơ quan này đã không thể giám định được vì không đủ yếu tố để giám định. Điều này được thể hiện, khi Cơ quan điều tra đã gửi bản sao một số tài liệu tới Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an yêu cầu giám định dấu vết va chạm giữa các xe này trong vụ tai nạn giao thông. Ngày 17/8/2011, Viện khoa học Hình sự đã có Bản Kết luận giám định số 1810/C54(P3) kết luận: Với những tài liệu được gửi, chỉ kết luận được có dấu vết va chạm giữa xe của Hưng điều khiển với xe ô tô kéo rơ moóc. Còn dấu vết va chạm giữa xe ô tô kéo rơ moóc với xe do Vĩnh điều khiển chở anh Định đã bị xe ô tô chèn qua người gây chết qua các bản ảnh giám định “dấu vết không đủ yếu tố giám định truy nguyên đồng nhất” – tức là “không đủ yếu tố để giám định dấu vết va chạm”.
Thứ ba: Ngoài ra, việc Cơ quan điều tra chỉ yêu cầu giám định dấu vết va chạm mà không yêu cầu giám định mức độ va chạm, tốc độ của xe ô tô lúc bấy giờ mà chỉ căn cứ vào lời khai sẽ dẫn tới các tình tiết của vụ án không được khách quan. Bởi, tốc độ của xe ô tô khi tham gia giao thông có thể là một trong các yếu tố bắt buộc để đánh giá khả năng điều khiển và làm chủ tốc độ của người lái. Nếu giám định mà cho kết quả lái xe ô tô đã điều khiển xe lúc đó quá tốc độ cho phép (quá 40km/h) thì việc xác định lỗi trong vụ án này phải khác đi. Vết phanh “chết” trên mặt đường dài như vậy chứng tỏ tốc độ xe là không thấp. Việc xác định khối lượng xe ô tô, tình trạng lốp xe của phương tiện gây ra tai nạn và đặc điểm chi tiết mặt đường trong vụ án này cũng chưa được làm rõ.
Thứ tư: Theo quy định tại Điều 6 Quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ (ban hành kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 05/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an) thì việc khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông là bắt buộc với các yêu cầu như: đo kích thước thực tế của phương tiện (chiều rộng, chiều dài, chiều cao), kiểm tra lốp xe, kiểm tra hàng hóa trên xe, loại hàng, tải trọng… (Điểm c, g, h Điều 6).
Thế nhưng hồ sơ không thể hiện các cơ quan có nhiệm vụ giải quyết TNGT tiến hành những hoạt động này. Đây là một vi phạm tố tụng nghiêm trọng ảnh hưởng đến kết quả điều tra vụ án và cần được điều tra bổ sung, làm rõ trước khi xét xử để xem xét trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ án này.
Trong hai ngày 25, 26/6/2012, sau hai lần hoãn phiên tòa, Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì đã mở phiên tòa xét xử vụ án. Điều bất ngờ là tại phiên tòa, Hoàng Văn Việt đã khai lúc gây tai nạn giao thông, Việt đang điều khiển xe với tốc độ khoảng 50km/h, không đúng với tốc độ 40km/h như kết luận của cơ quan điều tra. Với tốc độ này rõ ràng Việt đã lái xe quá tốc độ cho phép và vi phạm an toàn giao thông. Từ những tình tiết bất thường của vụ án nêu trên, Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tọa phiên tòa đã quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra làm rõ các vấn đề: Vận tốc của xe ô tô do Hoàng Văn Việt điều khiển khi xảy ra tai nạn là bao nhiêu? Lý do tại sao xe Dream 29L1-8016 do Trần Văn Vĩnh điều khiển lại đổ sang phải, xe Serius 33P6-8977 do Nguyễn Văn Hưng điều khiển đổ sang bên trái đường Ngọc Hồi? Giải thích diễn biến, cơ chế va chạm giữa các xe khi xảy ra tai nạn? Cơ chế ngã của Hưng và Việt? Đây là những vấn đề không thể bổ sung, làm rõ tại phiên tòa.
Nguyễn Hồng Khánh

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

LƯƠNG TÀI, BẮC NINH: TÒA KHƯỚC TỪ ĐƠN DÂN KIỆN UBND HUYỆN

LƯƠNG TÀI, BẮC NINH: TÒA KHƯỚC TỪ ĐƠN DÂN KIỆN UBND HUYỆN
 Bảo vệ pháp luật- số 56 (943) Thứ Sáu 13.7.2012 Trang 5 (Công tố- Kiểm sát Tư pháp)
LƯƠNG TÀI, BẮC NINH:

TÒA KHƯỚC TỪ ĐƠN DÂN KIỆN UBND HUYỆN
 
Cho rằng UBND huyện thực hiện không đúng quy trình pháp luật khi thu hồi đất, khiếu nại cũng không nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, 11 hộ dân có đất bị thu hồi thực hiện dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh lộ 281, đoạn thị trấn Thứa – Kênh Vàng đã khởi kiện UBND huyện ra Tòa.

BÍ MẬT THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG?
Trong đơn gửi cơ quan báo chí, ông Đoàn Đắc Đạo (trú tại thôn Ngọc Thượng, Phú Hòa, Lương Tài, Bắc Ninh) đại diện cho 11 hộ dân đang khởi kiện UBND huyện cho biết, đất của gia đình những hộ dân này được HTX giao cho từ những năm 1960 và đã được cấp sổ đỏ. Song, đa phần diện tích thực tế sử dụng nhiều hơn diện tích trong sổ đỏ. Có hộ được UBND xã xác nhận diện tích đất chênh lệch trên là so sai số đo đạc bản đồ giữa các thời kỳ.
Ngày 2/7/2010, UBND huyện Lương Tài có Quyết định số 519/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất và giao đất cho Ban Quản lý dự án, Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường Tỉnh lộ 281 đoạn Thị trấn Thứa, Kênh Vàng. Quyết định này không đưa diện tích đất thực tế và tài sản trên đất bị thu hồi của người dân vào phương án bồi thường.
Không những vậy, ông Đạo cho biết thêm, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được UBND huyện tiến hành một cách “bí mật”, đại diện người dân không được tham gia Hội đồng bồi thường GPMB. Người dân không được giao Quyết định thu hồi đất, không được tham gia góp ý vào phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Việc đền bù chưa thực sự công bằng, cùng trên dải đường có đất bị thu hồi, người ra ở sau được bồi thường, còn người ở trước lại không được bồi thường. Đã nhiều lần người dân khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện Lương Tài về các nội dung trên nhưng vẫn không được giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Vì vậy, người dân đã khởi kiện UBND huyện Lương Tài ra Tòa án, yêu cầu UBND huyện Lương Tài bổ sung phần đất và tài sản của họ vào phương án; buộc UBND huyện thực hiện đúng quy trình pháp luật trong quá trình thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

CÓ THUỘC THẨM QUYỀN CỦA TÒA?
Ngày 29/6/2012, người dân nhận được văn bản của TAND huyện Lương Tài cho biết, đơn khởi kiện của người dân không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Không đồng ý với cách trả lời này, người dân đã khiếu nại, ngày 05/7/2012, các hộ nhận được Thông báo của Chánh  án TAND huyện khẳng định hành vi không thực hiện theo đúng quy định pháp luật trong quá trình thu hồi đất của UBND huyện không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Luật sư Huỳnh Phương Nam – Trưởng Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, cách trả lời của TAND huyện Lương Tài là không đúng pháp luật. Bởi,
Thứ nhất, người dân khởi kiện toàn bộ quá trình UBND huyện Lương Tài thực hiện việc thu hồi đất. Đây là hành vi hành chính được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật tố tụng hành chính. Theo đó: “Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.”
Thứ hai, vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện.
Vì theo Khoản 1 Điều 28 Luật tố tụng hành chính thì “Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án” bao gồm “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính”. Căn cứ quy định này, hành vi hành chính của UBND huyện Lương Tài trong quá trình thực hiện việc thu hồi đất trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Mặt khác, Điều 29 Luật tố tụng hành chính quy định Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó. Do vậy, khiếu kiện của người dân đối với hành vi hành chính trong việc thu hồi đất của UBND huyện Lương Tài nêu trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Lương Tài.
Thứ ba: việc Chánh án TAND huyện Lương Tài ra “Thông báo về việc trả lời đơn khiếu nại” cũng là không đúng. Vì theo quy định tại Khoản 2 Điều 110 Luật tố tụng hành chính thì: “Chánh án Tòa án phải ra một trong các quyết định” giữ nguyên việc trả lại đơn hay nhận đơn khởi kiện chứ không được dùng thông báo thay cho quyết định như trên.
                                                             DUY THƯỞNG

Các bài viết khác

Dự án Trường Quốc tế UNIS – CAMPUS : Dự án giáo dục hay kinh doanh bất động sản???

Những khuất tất trong các phi vụ mua bán đất dự án “Trường Quốc tế UNIS CAMPUS” tại Vĩnh Phúc (Kỳ 3): Nhà đầu từ thứ cấp bị “thòng”???

Những khuất tất Dự án trường Quốc tế UNIS CAMPUS (kỳ 4) : UBND Thành Phố Vĩnh Yên đã nói gì?

Những khuất tất tại dự án trường Quốc tế UNISCAMPUS: UBND Tỉnh Vĩnh Phúc có “né tránh” những sai phạm chồng sai phạm???                    

Tòa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung


Chưa làm rõ tốc độ xe ô tô khi gây tai nạn đã kết luận lái xe vô can?



Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung là đúng đắn

Chủ tịch quận quyết định sai : DN mất tiền tỷ - Diễn đàn doanh nghiệp

Tòa phúc thẩm tuyên hủy quyết định trái luật | ANTĐ - Báo điện tử ...


Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Xét xử sơ thẩm Vụ án xe rơ moóc chèn chết người tại đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội:Tòa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Xét xử sơ thẩm Vụ án xe rơ moóc chèn chết người tại đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội

Tòa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Thứ Tư, 27/06/2012 16:45

http://phapluatxahoi.vn/2012062709482116p1002c1019/toa-quyet-dinh-tra-ho-so-de-dieu-tra-bo-sung.htm 

(PL&XH) -Tại phiên tòa ngày 25-6-2012, trực tiếp lái xe Hoàng Văn Việt thừa nhận trước khi lái xe chèn qua người anh Vĩnh, thì Việt điều khiển xe ô tô chạy với tốc độ gần 50km/h và quá bất ngờ nên mặc dù đã đánh lái sang trái nhưng vẫn không phanh kịp.

Sau một ngày nghị án, chiều qua 26-6, Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ tọa phiên tòa đã công bố quyết định trả hồ sơ vụ án Nguyễn Văn Hưng "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" cho Cơ quan CSĐT CA huyện Thanh Trì để điều tra bổ sung. Đa số những người dự khán tin rằng với quyết định này, cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ không bỏ lọt tội phạm, cũng như không làm oan người vô tội… 

Báo PL&XH số ra ngày 23-5-2012, có bài viết: "Chưa làm rõ tốc độ xe ô tô khi gây tai nạn đã kết luận lái xe vô can?" phản ánh vụ án này. Theo cáo trạng của VKSND huyện Thanh Trì, vào 17h40 ngày 30-6-2011, Nguyễn Văn Hưng, SN 1981, trú tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội (là người có GPLX hạng A1) điều khiển xe máy BKS: 33P6-8977 đi sang làn đường dành cho xe ô tô tải trên đường Ngọc Hồi (theo hướng Pháp Vân - Thường Tín). Anh Trần Văn Vĩnh, SN 1992, trú tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội (không có GPLX) điều khiển xe mô tô BKS 29L1 - 8016,  phía sau chở anh Trần Văn Định, SN 1976, trú tại xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (nạn nhân) cũng đi sang làn đường dành cho ô tô tải.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng tại phiên xử chiều 26-6.     Ảnh: Hưng Việt

Khi đến Km 11+800 đường Ngọc Hồi, thuộc thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hưng điều khiển xe vượt phải xe ô tô đầu kéo BKS 28H - 5764, kéo theo rơ moóc BKS 28R - 0028 do anh Hoàng Văn Việt, SN 1980, trú tại xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định điều khiển cùng chiều (chiếc xe tải có lấn sang làn đường xe con). Sau đó, Hưng tiếp tục vượt bên phải va chạm với Vĩnh làm hai xe loạng choạng và ngã ra đường. Chiếc xe ô tô kéo theo rơ moóc lao đến và phanh gấp, chèn qua anh Định làm nạn nhân tử vong tại chỗ. 

Tốc độ của xe ô tô chèn chết nạn nhân chưa được làm rõ?


Nội dung bài viết phản ánh xung quanh việc chưa làm rõ tốc độ của xe ô tô trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân Trần Văn Định đã kết luận lái xe của ô tô này vô can trong vụ án, còn lỗi không GPLX của anh Vĩnh cũng chỉ bị xử phạt hành chính và CQCA chỉ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một mình bị cáo Nguyễn Văn Hưng về hành vi "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, dẫn tới hậu quả chết người". Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện ngoài việc anh Hoàng Văn Việt lái xe tải đi sang làn đường xe con, thì chính phụ xe Hoàng Văn Hùng (ngồi bên cạnh Việt khi xảy ra tai nạn) cũng cho rằng một trong những nguyên nhân xảy ra tai nạn chết người là do "Việt không làm chủ được tốc độ"... Điều này thể hiện cơ quan tố tụng chưa làm rõ lỗi và trách nhiệm của từng người trong vụ tai nạn nên cần trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tại phiên tòa ngày 25-6-2012, trực tiếp lái xe  Hoàng Văn Việt thừa nhận trước khi lái xe chèn qua người anh Vĩnh, thì Việt điều khiển xe ô tô chạy với tốc độ gần 50km/h và quá bất ngờ nên mặc dù đã đánh lái sang trái nhưng vẫn không phanh kịp. Bào chữa cho bị cáo Hưng, Luật sư Hoa Hoàng Nhật và luật sư Huỳnh Phương Nam đã viện dẫn quy định về giao thông đường bộ để khẳng định rằng đoạn đường nơi xảy ra tai nạn là khu vực đô thị, đông dân cư nên tốc độ tối đa của xe tải kéo rơ mooc không được quá 40km/h. Nếu Việt lái xe với tốc độ gần 50km/h thì rõ ràng là vi phạm an toàn giao thông và đã có lỗi gây ra cái chết cho nạn nhân. Tuy nhiên, vấn đề tốc độ của xe ô tô do Việt điều khiển là bao nhiêu không thể làm rõ được tại phiên tòa vì chưa được trưng cầu giám định. Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ. 

Lời khai và hiện trường bị... "vênh"?

Tại phiên tòa, Hưng khai thực tế đã đi bên trái anh Vĩnh. Việc Hưng nhận là đi bên phải anh Vĩnh là do ĐTV hướng dẫn cho khớp hồ sơ (?!). 

Theo LS Huỳnh Phương Nam, sơ đồ hiện trường thể hiện vệt phanh của xe ô tô  đầu kéo 28H -  5764 (do anh Việt điều khiển) hướng Văn Điển - Thường Tín dài 16m, vết ngoài phanh cách dải phân cách cứng 2,5m, đi chéo từ làn xe tải sang hết làn xe con. Điểm đầu của vết cày do xe mô tô 29L1- 8016  nằm cạnh ngoài của vết phanh do bánh bên phải rơ moóc để lại và chạy song song bên trong vệt phanh bánh phải xe cho thấy xe Dream 29L1 - 8016 đã bị xe ô tô đầu kéo đẩy một quãng đường 23,6m tạo ra vết cày trên đường này. Vết  cày này chứng minh cho vị trí của xe Dream 29L1- 8016 do Vĩnh điều khiển được đẩy từ làn xe tải sang gần hết làn xe con và xe của Hưng vẫn ở bên trái.  Với hiện trường này thì không thể có việc xe của Hưng vượt bên phải xe Vĩnh gây ra va chạm với xe Vĩnh bởi lẽ theo nguyên lý thông thường thì khi hai xe va chạm tay lái vào nhau sẽ có xu hướng văng sang hai bên, xe đi bên nào văng sang bên đó. Nếu xe Hưng đi bên phải sẽ phải ngã sang bên phải. Tuy nhiên, xe của Hưng lại đổ nằm ở sát dải phân cách cứng (bên trái của Vĩnh). Việc này chứng minh lời khai ban đầu của bị cáo Hưng tại CQĐT và lời khai tại tòa ngày 25-6 rằng đã đi bên trái chứ không vượt phải xe anh Vĩnh là hoàn toàn có cơ sở. 

Sau một ngày nghị án, chiều 26-6, HĐXX TAND huyện Thanh Trì đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề nêu trên.


Hưng Việt

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa: Có “tròng” doanh nghiệp?

Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa: Có “tròng” doanh nghiệp?

Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa: Có “tròng” doanh nghiệp?
(Pháp lý) – Phương tiện không thuộc diện bị tạm giữ song muốn lấy xe ra chủ xe vẫn phải nộp tiền “thay” cho lái xe vi phạm bị phạt theo hướng dẫn của cán bộ. Kết quả là tiền Cty bỏ ra chưa thu hồi được, cơ quan chức năng thì phủi tay. Các lái xe “chẳng việc gì phải sợ”, tiếp tục vi phạm. Xe lại bị tạm giữ. Muốn lấy xe ra lại phải nộp tiền “thay”. Tổng số tiền phải nộp thay đến nay lên tới gần tỷ đồng. Doanh nghiệp nghẹt thở…
“Tròng ” người có tóc
Trong đơn gửi tới Tạp chí Pháp lý (kèm nhiều tài liệu, chứng cứ), ông Hoàng Quốc Tuế – Giám đốc Cty TNHH Du lịch Lạc Đà (Đ/c: 459 Trần Khát Chân – P.Thanh Nhàn – Q. Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho hay:
2.1 274x410 Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa: Có “tròng” doanh nghiệp?
Công văn của Cục kiểm lâm
Ngày 26/12/2011, Nguyễn Văn T – lái xe hợp đồng của Cty – đang điều khiển xe chở khách thì bị Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1- tỉnh Thanh Hóa cùng Cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra, phát hiện trên xe chở động vật hoang dã. Anh T. khai là người mua rồi vận chuyển ra Hà Nội bán. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ xe.
Chủ xe là ông Tuế được hướng dẫn phải nộp 263 triệu đồng tiền phạt thay cho lái xe vi phạm mới được lấy xe về, nếu không sẽ bị giữ xe đến khi lái xe nộp phạt xong.
Ông Tuế cho biết “Tôi không đồng ý nộp thay tiền phạt cho lái xe vì chưa có quyết định xử phạt chính thức. Và như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu cho các lái xe khác của Công ty tiếp tục vi phạm. Tuy nhiên, tôi được giải thích nếu không làm như vậy sẽ không được giải quyết nhận lại xe. Buộc lòng tôi phải ký vào biên bản. Tiếp đó, ông L.M.T lại đọc cho tôi viết “Giấy xin gửi tiền nộp phạt vi phạm hành chính” và các giấy tờ ghi bổ sung. Sau khi giao cho Đội kiểm lâm này 419.500.000 đồng, tôi nhận xe tối hôm đó”.
Ngày 04/01/2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản số 30/QĐ-XPHC xử phạt lái xe Nguyễn Văn T. số tiền 263 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số lâm sản “mua bán trái phép” và tạm giữ xe ô tô của Cty cho đến khi lái xe T. nộp xong tiền phạt?
Sai luật
Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam – Trưởng Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư Hà Nội, theo thông tin mà ông Tuế cung cấp thì cách giải quyết như trên của cán bộ, cơ quan chức năng là không đúng pháp luật.
Về việc giữ xe và “tư vấn” cho chủ phương tiện nộp tiền “thay” người vi phạm có những sai phạm sau:
Thứ nhất: Việc tạm giữ xe của Cty suốt từ 3 giờ sáng ngày 26/12/2011 đến chiều tối ngày 3/1/2012 của Đội Kiểm lâm số 1 là trái với Điều 20 và 21 Nghị định 99/2009/NĐ-CP quy định về “Vận chuyển lâm sản trái pháp luật” và “Mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước” và Điều 17 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định về “Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính” thì “Không tịch thu … phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp”.
2.23 284x410 Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa: Có “tròng” doanh nghiệp?
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của PCT tỉnh Thanh Hóa.
Như vậy, sau khi lái xe vi phạm xuất trình được hợp đồng ký trước đó với Cty trong đó có ghi rõ điều khoản Cty: cấm người lao động vận chuyển hoặc cấu kết với khách hàng vận chuyển hàng cấm thì Đội Kiểm lâm số 1 phải trình hợp đồng đó cho người có thẩm quyền phê duyệt quyết định tạm giữ phương tiện của Đội trưởng để người có thẩm quyền quyết định không phê duyệt quyết định tạm giữ trên và trả lại xe cho Cty ngay từ ngày 27/12/2011 mới đúng.
Mặt khác, giả sử việc giữ xe là biện pháp “Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” theo quy định tại Điều 31 Nghị định 99/2009/NĐ-CP việc tạm giữ xe ô tô để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lại càng không đúng trái với Điều 57 – PLXLVPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định về “Thủ tục phạt tiền” (chỉ được tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan).
Tuy nhiên, trường hợp giả thiết việc tạm giữ phương tiện của Đội Kiểm lâm là đúng quy định, trong vòng 24 giờ đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quyết định tạm giữ thì cũng không thể giữ lại cho đến bao giờ lái xe vi phạm nộp tiền phạt xong mới lấy được về. Bởi, theo quy định tại khoản 25 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung PLXLVPHC thì “phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp”.
Thứ hai: là việc hướng dẫn Cty nộp thay tiền phạt cho lái xe vi phạm rồi cho rằng đó là trách nhiệm dân sự của Cty bồi thường thiệt hai cho nhà nước khi lái xe vi phạm là không đúng pháp luật. Bởi, trong hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính không có quy định nào về việc nhận thay thế nghĩa vụ nộp phạt cho người vi phạm (trừ trường hợp họ có văn bản ủy quyền cho người khác đi nộp hộ). Mặt khác, nghĩa vụ nộp phạt vi phạm hành chính (trách nhiệm hành chính) hoàn toàn khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự.
Được biết, ngày 20/1/2012, Cục Kiểm lâm- Tổng cục Lâm nghiệp tại Công văn số 37/KL-TTPC trả lời thắc mắc của công ty về việc Cty ty bị tạm giữ xe trong trường hợp này có đúng hay không đã nêu rõ: trong trường hợp người điều khiển phương tiện của người khác tự ý vi phạm, bị xử phạt tiền thì không bị tịch thu phương tiện (quyết định xử phạt tiền chỉ áp dụng đối với người điều khiển phương tiện) người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện, giấy phép lái xe, giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi người vi phạm thi hành xong quyết định xử phạt”.
Với những hướng dẫn như trên, mong rằng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cần tư vấn lại để Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử lý vi phạm được đúng luật.
Trần Hoàng

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Vụ lái xe ô tô đi đường, chèn chết người tạ sai làni đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội: Chưa làm rõ tốc độ xe ô tô khi gây tai nạn đã kết luận lái xe vô can?

Vụ lái xe ô tô đi đường, chèn chết người tạ sai làni đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội

Chưa làm rõ tốc độ xe ô tô khi gây tai nạn đã kết luận lái xe vô can?

Thứ Tư, 23/05/2012 11:45
 

http://phapluatxahoi.vn/20120523094646314p1002c1019/chua-lam-ro-toc-do-xe-o-to-khi-gay-tai-nan-da-ket-luan-lai-xe-vo-can.htm

(PL&XH) - Theo anh Hưng, anh không phải là người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân mà chính là xe ô tô đầu kéo BKS: 28H - 5764. Nhưng lái xe trong vụ việc này... chỉ đóng vai trò liên quan trong vụ án.


Việc một mình bị truy tố trong vụ tai nạn giao thông (TNGT) tại đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội xảy ra vào cuối tháng 6-2011 khiến anh Nguyễn Văn Hưng, SN 1981, trú tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội hụt hẫng và thấy rằng cơ quan tố tụng chưa làm hết trách nhiệm và chưa làm rõ các yếu tố liên quan đến vụ án. Theo anh Hưng, anh không phải là người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân mà chính là xe ô tô đầu kéo BKS: 28H - 5764. Nhưng lái xe trong vụ việc này... chỉ đóng vai trò liên quan trong vụ án.

Luật sư Huỳnh Phương Nam trao đổi với PV báo PL&XH.  Ảnh: Hưng Việt

Cái chết thảm dưới gầm xe tải

Theo cáo trạng của VKSND huyện Thanh Trì, Hà Nội, vào khoảng 17h40 ngày 30-6-2011, Nguyễn Văn Hưng (là người có giấy phép lái xe hạng A1) điều khiển xe máy BKS: 33P6-8977 trên đường Ngọc Hồi (theo hướng Pháp Vân - Thường Tín). Khi đến Km 11+800 đường Ngọc Hồi, thuộc thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hưng cho xe vượt phải xe ô tô đầu kéo BKS 28H - 5764, kéo theo rơ mooc BKS 28R - 0028 do anh Hoàng Văn Việt, SN 1980, trú tại xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định điều khiển cùng chiều. Sau khi vượt chiếc xe trên, Hưng vượt tiếp xe máy BKS 20L1 - 8016 do Trần Văn Vĩnh, SN 1992, trú tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, điều khiển phía sau chở anh Trần Văn Định, SN 1976, trú tại xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đi cùng chiều, làm xảy ra tai nạn. Hậu quả, bánh xe của chiếc xe ô tô BKS 28H - 5764 chèn qua người  anh Trần Văn Định, khiến anh này tử vong tại chỗ.

Luật sư Huỳnh Phương Nam, Văn Phòng Luật sư Huỳnh Nam (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Trong vụ án này, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của nạn nhân Trần Văn Định là do tác động chèn ép của xe ô tô có khối lượng lớn (bánh xe ô tô chèn qua vùng lưng, thắt lưng của nạn nhân). Tuy nhiên, trong bản Kết luận điều tra và Cáo trạng, CQCSĐT và VKSND huyện Thanh Trì đã xác định anh Hoàng Văn Việt, người lái xe ô tô (BKS 28H-5764 kéo theo rơ moóc BKS 28R-0028) không có lỗi trong vụ TNGT nên chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với một mình bị cáo Hưng về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, dẫn tới hậu quả chết người là chưa thỏa đáng.

Bởi theo luật sư Huỳnh Phương Nam thì trong vụ án này, bị cáo Hưng đi xe mô tô sang làn đường dành cho xe ô tô tải, nhưng anh Trần Văn Vĩnh chở anh Trần Văn Định (nạn nhân), không có giấy phép lái xe và cũng đi sang làn đường dành cho ô tô tải. Bên cạnh đó, lúc trước khi chưa xảy ra tai nạn, anh Hoàng Văn Việt lái xe ô tô đi phía sau cũng đi sai làn, lấn sang làn xe ô tô con. Hưng "vượt bên phải" va chạm với Vĩnh làm hai xe loạng choạng và ngã ra đường. Việt lái xe ô tô lao đến và phanh gấp, chèn qua anh Định làm anh này tử vong ngay tại chỗ. Như vậy, với diễn biến này thì thấy nguyên nhân trực tiếp gây nên cái chết của nạn nhân Trần Văn Định là do lái xe ô tô Hoàng Văn Việt gây ra. Bởi theo như kết luận pháp y cũng cho thấy nạn nhân chết là do tác động đè ép của xe ô tô có khối lượng lớn và do bánh xe ô tô chèn qua người  nạn nhân. Còn việc Hưng, Vĩnh, kể cả ô tô đi sai làn, Hưng vượt phải gây va chạm chỉ là nguyên nhân gián tiếp.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng: “Cơ quan tố tụng chưa làm hết trách nhiệm...”. Ảnh: Hưng Việt 

Lái xe rơ mooc có lỗi hay không?

Trong cáo trạng thể hiện, có thể hiểu nếu Hưng không vượt phải thì không gây ra tai nạn vì sẽ không va chạm với Vĩnh. Tuy nhiên, theo luật sư Nam lý giải thì cũng có thể hiểu ngược lại là nếu Vĩnh không đi sai làn đường thì không thể có việc va chạm với Hưng hoặc nếu Vĩnh có giấy phép lái xe thì đã không xảy ra va chạm, mà nếu va chạm thì chắc gì đã xảy ra tai nạn vì GPLX mới chứng tỏ người tham gia giao thông có đủ điều kiện, khả năng điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, vị trí va chạm giữa Hưng và Vĩnh lại ở giáp ranh làn xe con và nếu Việt lái xe ô tô đi đúng phần đường của xe tải thì đã không chèn qua người anh Định. Hơn nữa, nếu Việt làm chủ được tốc độ, phanh kịp thì chưa chắc đã chèn lên anh Định. Vì vậy, để làm sáng tỏ vụ án, các cơ quan tố tụng cần   phải xác định lỗi của những người tham gia giao thông nêu trên để xem họ có lỗi trong việc gây ra cái chết của nạn nhân hay không để loại trừ trách nhiệm của họ cũng như buộc họ phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả do lỗi của mình gây ra. Do vậy, trước hết cần xác định người lái xe ô tô trực tiếp gây ra cái chết của nạn nhân có lỗi hay không, rồi sau đó mới xác định lỗi của những người gián tiếp gây ra tai nạn.

Lái xe ô tô không làm chủ tốc độ?

Luật sư Nam cũng cho rằng: Trước tiên, để làm sáng tỏ vụ án thì phải xác định lái xe ô tô Hoàng Văn Việt có làm chủ được tốc độ hay không? Cần xác định tốc độ của xe lúc gây tai nạn là bao nhiêu? Điều này, CQĐT chưa làm rõ được và Cáo trạng cũng không thể hiện. Hồ sơ vụ án thể hiện, tuy đã hỏi lái xe về tốc độ lưu thông của xe ô tô nhưng CQ CSĐT đã hoàn toàn bỏ qua việc giám định tốc độ của xe.

Vì vậy, các điều kiện cần có để xác định lỗi của người lái xe ô tô còn thiếu những yếu tố hết sức quan trọng. Vì đây là yếu tố mang tính chủ quan của người điều khiển ô tô nhưng có thể xác định được thông qua hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn và giám định tư pháp. Việc loại trừ lỗi của lái xe ô tô không thể chỉ đơn thuần suy diễn từ lỗi của một người khác là do bị cáo Nguyễn Văn Hưng vượt sai. Trong khi đó, chính người phụ xe Hoàng Văn Hùng (ngồi bên cạnh lái xe Việt khi xảy ra tai nạn) cũng có lời khai tại CQCA rằng một trong những nguyên nhân xảy ra tai nạn chết người là do "Việt không làm chủ được tốc độ" của xe ô tô (BL 129).

Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy: "Từ hàng bánh kép trước bên trái của đầu kéo 28H - 5764 để lại vết phanh kéo dài 16m20 bằng nhau; từ hàng bánh kép thứ nhất của rơ mooc 28R - 0028 để lại hai vết phanh kép phải, trái bằng nhau dài 18m; từ đầu vết phanh kép bên trái của rơ mooc 28R - 0028 đến đầu phanh kép của đầu kéo 28H - 5764 dài 9m80...", điều này cùng với một số tài liệu liên quan cho thấy, Hoàng Văn Việt đã phanh gấp khi tai nạn xảy ra và để lại vết phanh rất dài trên đường trước khi chèn bánh xe qua người nạn nhân.

Điều này cho thấy, tốc độ xe ô tô lúc gây tai nạn không thấp, nhưng CQĐT đã không trưng cầu giám định để xác định chính xác tốc độ thực tế của xe ô tô vào thời điểm xảy ra tai nạn mà chỉ dựa vào lời khai của Việt về tốc độ của xe để kết luận Việt không có lỗi đối với cái chết của bị hại là chưa chính xác và chưa điều tra đầy đủ các nội dung, tình tiết của vụ án.

Vì vậy, liệu có phải chỉ duy nhất bị cáo Nguyễn Văn Hưng là người có lỗi gây ra cái chết của nạn nhân Trần Văn Định hay không? Cần thiết phải điều tra làm rõ tốc độ của xe ô tô kéo rơ moóc do Hoàng Văn Việt điều khiển khi gây ra tai nạn và đây là cơ sở pháp lý để xác định chắc chắn ai là người có lỗi hay cùng có lỗi gây ra cái chết cho nạn nhân.

Cần điều tra bổ sung

Tuy nhiên, vừa qua, phiên tòa xét xử đối với một mình bị cáo Nguyễn Văn Hưng về tội " Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ " vẫn được TAND huyện Thanh Trì đưa ra xét xử và chỉ hoãn phiên tòa khi vắng mặt của đại diện phía bị hại. Dự kiến, phiên xử sẽ tiếp tục mở lại vào ngày 7-6-2012.  

Để việc điều tra, truy tố và xét xử được chính xác, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan trong vụ án, không quy kết trách nhiệm hình sự cho riêng bị cáo Nguyễn Văn Hưng một cách thiếu căn cứ. Thiết nghĩ, TAND huyện Thanh Trì, Hà Nội nên chăng cần xem xét các tình tiết vụ án thật thấu đáo, cần trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề liên quan, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.


Hưng Việt - Ngọc Linh