Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Thừa Thiên-Huế: Một vụ án, bốn người kêu oan

Một vụ án, bốn người kêu oan

TT - Luật sư đưa ra nhiều luận điểm để chứng minh bị cáo không phạm tội cướp giật tài sản. Đại diện viện kiểm sát không tranh luận gì, chỉ dựa hoàn toàn vào cáo trạng, trong khi các bị cáo đều cho là bị ép cung. Đó là vụ án xảy ra tại Thừa Thiên - Huế đang được dư luận quan tâm.
Mẹ của bị cáo Việt khóc ngất sau khi phiên tòa kết thúc -  Ảnh: V.H.

Theo lời kể của những người trong cuộc, hơn 22g ngày 17-6-2009, bà Lê Thị Hoa (ngụ ở thôn Thạch Căn, xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đi bán vé số dạo chạy xe đạp về đến ngõ nhà mình thì có người đi xe máy áp sát, giật túi xách để trước giỏ, bên trong có hơn 1 triệu đồng cùng 250 tờ vé số. Nạn nhân quýnh quáng kêu: “Cướp! Cướp!”.
Nghe tiếng tri hô, hai người con trai của bà Hoa chạy ra, dùng xe máy truy đuổi kẻ cướp. Chạy đến tỉnh lộ 2, xe của họ va chạm với một xe máy không mở đèn được nghi là của tên cướp. Chiếc xe không mở đèn chao đảo, rơi lại chiếc dép da rồi tiếp tục phóng đi. Truy đuổi bất thành, bà Hoa đến công an xã trình báo.
12 ngày sau, Công an xã Phú Dương triệu tập Nguyễn Thành Huy (sinh năm 1991), Dương Quang Việt (1989) và Võ Đại Quốc Dũng (1991) lên trụ sở rồi tạm giữ vì cho rằng họ đã gây ra vụ cướp. Tháng 8-2009, Công an huyện Phú Vang đã khởi tố, bắt tạm giam Việt, Huy, Dũng, và Nguyễn Văn Hùng (1989)  về tội cướp giật tài sản.
Mâu thuẫn chưa được làm rõ
Nước mắt người cha
Đôi mắt đỏ hoe, ông Võ Tánh, cha của bị cáo Dũng, kể chuyện mình đem con nộp cho công an: “Hôm công an đưa thằng Dũng về nhà tìm đôi dép thì nó đã vùng chạy trốn. Tui đuổi theo. Vừa chạy nó vừa thề là không biết chi về vụ cướp, nhưng bị đánh đau quá nên phải nhận tội, giờ nó phải chạy trốn chứ quay về sợ bị đánh tiếp. Tui vừa chạy vừa khuyên con: nếu con trốn đi thì chẳng bao giờ còn gặp lại ba mạ nữa, con trốn đi rồi thì ba mạ cũng chết đi thôi, rồi ai giải oan cho con. Chạy hơn 2km nó mới đứng lại, ôm tui khóc nức nở. Nó nói: “Con bị oan, cứu con ba ơi”. Rồi tui đưa con về nộp cho công an và hứa sẽ kêu oan cho con, vậy mà...”. Từ khi con trai bị bắt, hai vợ chồng ông Tánh đi gõ cửa khắp nơi kêu oan cho con. “Giờ gạo phải chạy ăn từng bữa, không có tiền đóng sản lượng, mấy sào ruộng thuê người ta cũng thu lại rồi. Vợ chồng tui chắc phải bán nhà để đi Hà Nội kêu oan cho con...” - ông Tánh buồn rầu nói.
Ông Nguyễn Văn Viên, cha của bị cáo Nguyễn Văn Hùng, lau nước mắt kể: “Mỗi lần đến thăm, thằng Hùng đều nói con bị bắt oan, ba mạ đi kêu oan giúp con với!”.
Cuối tháng 10-2010, TAND huyện Phú Vang xét xử sơ thẩm, cả bốn bị cáo đồng loạt kêu oan, khai rằng bị đánh đập, ép cung nên khai bừa. Tòa tuyên phạt Việt 4 năm tù, Hùng 3 năm 6 tháng tù, Huy 3 năm tù và Dũng 2 năm tù. Khi chủ tọa dứt lời tuyên án, cả bốn bị cáo gào khóc thảm thiết kêu oan. Hùng đã lao đầu vào bức tường trong phòng xử án tự tử để phản đối nhưng lực lượng bảo vệ kịp thời ngăn chặn.
Sau đó, bốn bị cáo đã kháng cáo kêu oan...
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-1-2011, các bị cáo Dũng, Hùng, Huy tiếp tục kêu oan, nói rằng bị cán bộ điều tra đánh đập, dọa nạt, ép phải khai theo ý của điều tra viên, do đó họ phải nhận tội đại, chờ ra tòa khai lại. Họ kể rành mạch tên các điều tra viên nói trên.
Tòa hỏi các bị cáo có bằng chứng gì để nói mình bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung? Các bị cáo trả lời rằng bị nhốt trong phòng giam nên không thể có bằng chứng gì được. Khi nghe tòa hỏi sao các bị cáo không khai báo những việc đó với viện kiểm sát (VKS), các bị cáo đều ngớ người.
Họ nói không biết VKS là ai, mà không ai nói cho họ biết phải báo việc đó với VKS.
Hai luật sư bào chữa khẳng định bốn bị cáo không phạm tội cướp giật tài sản. Theo luật sư Trà My, tối 17-6-2009, bốn thanh niên này qua chơi nhà chị Nguyễn Thị Liền (ở xã Phú An), đến 22g30 mới trở về. Trên đường về, xe của Dũng chở Việt bị ngã, xe máy bị gãy chốt bánh sau, không thể tiếp tục chạy được.
Trước tòa, chị Liền xác nhận bốn thanh niên này rời nhà chị đúng 22g30. Trong khi đó, cáo trạng lại ghi rõ vụ cướp giật tài sản xảy ra khoảng 22g50. Luật sư Trà My khẳng định vào thời điểm này, bốn thanh niên đang chạy xe từ xã Phú An về cầu Phú Khê, do đó không thể đủ thời gian để thực hiện vụ cướp giật.
Luật sư Phương Nam chỉ ra những mâu thuẫn: “Nạn nhân khai chỉ nhìn thấy một xe, một người thực hiện vụ cướp nhưng vì sao hồ sơ vụ án lại thành hai xe, bốn người? Chiếc xe mà đại diện VKS cho là phương tiện để gây án thì đã hỏng, không chạy được? Chiếc dép da rơi lại hiện trường vụ va chạm là manh mối truy tìm kẻ cướp, nhưng cơ quan điều tra cất vào kho vì không tìm ra chủ nhân. VKS chỉ dựa vào lời khai bất nhất của các bị cáo để buộc tội là không thuyết phục, trong khi tại tòa họ đều nói bị ép cung nên khai bừa".
Phiên tòa không tranh luận
Hai luật sư nhiều lần đề nghị đại diện VKS tranh luận để làm rõ vụ án, nhằm bảo đảm quyền lợi của bị cáo. Và nếu vị đại diện VKS không phản bác được thì đề nghị tòa xét xử trắng án hoặc hủy bản án sơ thẩm. Hội đồng xét xử cũng đề nghị đại diện VKS phải có tranh luận. Tuy nhiên, đại diện VKS Lê Đức Khanh không tranh luận mà cho rằng mọi việc đã được kết luận trong cáo trạng và đề nghị xử theo cáo trạng.
Tòa tuyên y án sơ thẩm, bốn thanh niên bị áp giải ra xe bít bùng về trại giam nhưng vẫn ngoái đầu lại khóc tức tưởi, nhắn nhủ: Ba mẹ ơi, hãy kêu oan cho con! Phiên tòa kết thúc, hàng trăm người vẫn còn vây quanh trụ sở TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế bàn tán...
VINH HÀ

Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế:
Lẽ ra kiểm sát viên nên tranh luận
Chiều 23-2, ông Trần Đại Quang, phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về những điểm chưa rõ trong vụ án.
* Thưa ông, tại sao kiểm sát viên - đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên phúc thẩm - đã không đối đáp lại với những luận chứng của hai luật sư bào chữa?
- Kiểm sát viên này cho rằng tất cả đều đã có trong kết luận nên không tranh luận lại, tranh luận thêm mất thời gian. Đây là cách hành xử của từng kiểm sát viên được giao nhiệm vụ phụ trách công tố. Theo tôi, đáng ra kiểm sát viên nên tranh luận để làm rõ những luận cứ buộc tội, lúc đó sự việc sẽ rõ ràng hơn.
* Nạn nhân khai chỉ nhìn thấy một xe, một người thực hiện vụ cướp nhưng vì sao hồ sơ vụ án lại biến thành hai xe, bốn người?
- Do lúc đó nạn nhân hoảng hồn nên khai không chính xác. Việc xác định một xe hay hai xe, một người hay bốn người thực hiện hành vi cướp giật là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.
* Trước tòa, các luật sư đã chứng minh “quỹ thời gian” các bị cáo không đủ thực hiện được hành vi phạm tội, đồng thời có nhân chứng để xác định các bị cáo có bằng chứng ngoại phạm?
- Qua thực nghiệm điều tra chúng tôi có thể kết luận khoảng thời gian đó đủ để các bị cáo thực hiện hành vi cướp giật tài sản. Nhân chứng có thể nhớ không chính xác, có khi ra trước tòa họ khai không chính xác nên mình phải lọc ra những lời khai đó, lời khai nào phù hợp thì mới được chấp nhận.
Chiếc dép da rơi tại hiện trường là cơ sở để truy tìm thủ phạm thì cơ quan điều tra không lấy làm vật chứng?
- Do điều tra, giám định không chứng minh được chiếc dép đó là của các bị cáo nên không đưa vào làm vật chứng.
* Có những lời khai khác nhau giữa các bị cáo và nạn nhân, tại sao không cho đối chất?
- Khi tất cả các bị cáo đều phản cung thì việc đối chất không còn ý nghĩa nữa, vậy nên không cho đối chất.
Ông thấy sao khi cả bốn bị cáo ra trước tòa đều phản cung, một mực kêu oan và cho rằng họ đã bị ép cung, bức cung?
- Hằng ngày, hằng tuần, kiểm sát viên có đến kiểm tra chỗ giam giữ nhưng không nghe bị can, bị cáo phản ảnh những điều đó. Vậy nên việc bị cáo phản cung, kêu oan là quyền của bị cáo; còn việc các bị cáo bị ép cung, bức cung thì không có bằng chứng.
VINH HÀ thực hiện

Ý kiến bạn đọc:


  • 3/22/2011 11:20:58 AM
    Theo tôi, những người đại diện cho pháp luật hãy làm đúng lương tâm và trách nhiệm của mình. Đừng để oan trái cho những người vô tội. Ông trời có mắt cả đấy, làm mà vô lương tâm thì đời con đời cháu phải trả giá. Xin những người hiểu rõ luật pháp hãy đứng ra tìm hiểu và can thiệp để tìm ra lẽ phải, làm cho dân tin....
    NGOC MAI
  • 3/18/2011 11:21:34 AM
    Không thể hiểu nổi đến một người dân bình thường văn hóa thấp khi nghe câu chuyện cũng nhận thấy những điểm vô lí trong cáo trạng, mà những người nắm giữ cán cân công lí lại không thấy. Quá nhiều sai sót trong việc buộc tội các bị cáo để rồi khi được chất vấn thì đưa ra những câu trả lời kiểu vô trách nhiệm không li lẽ. Cơ quan, những người có trách nhiệm ở đâu có nhìn thấy không khi dân tình đang "oán thán". Liệu đây có phải nhà nước mà chúng ta đang xây dựng, chúng ta đang gìn giữ. Liệu những người đứng lên chống phá chính quyền họ có lí do để làm như vậy?
    NGOCANH
  • 3/16/2011 3:57:16 PM
    Tôi thật sự buồn và thất vọng vì cách làm việc của những người cầm cân nãy mực. Vụ án có thể nói là án oan 90% nhưng những người có thẫm quyền lại mù mịt như vậy sao. Họ hãy coi lại cái mà họ được học ở trường lớp đào tạo ra họ đừng bao giờ làm ngơ công việc quyet định danh dự người khác như vậy. Có lẽ mấy ông nghĩ có quyền thì làm gì thì làm. Và đừng bao giờ nghĩ các ông là người định đoạt số phận người khác. Vì những người dân chúng tôi là người nuôi các vị .Chúng tôi đóng thuế để các vị làm điều lợi cho dân. Cuối cùng tôi mong hãy để ánh sáng công lý là thước đo cho trình độ và tri thức quý vị .
    TRẦN HỒNG NGHI
  • 3/11/2011 12:00:57 PM
    Những câu trả lời né tránh, không thuyết phục. Vụ án chưa điều tra rõ ràng đã kết tội. Liệu tên cướp đó có quan hệ thân thích gì với những người trong các cơ quan đó không? Không xử thì thôi, nếu làm thì phải có trách nhiệm và làm đúng chức trách của mình. Đừng có giải quyết theo cái kiểu cho qua chuyện. Phí phạm thời gian và để lại vết dơ cho người bị oan.
    CHUOT
  • 3/11/2011 11:22:12 AM
    Đọc vụ án xong, tôi nhớ lại 3 thanh niên trong vụ án hiếp dâm ở khu vực phía Bắc. Các vị đại diện cho pháp luật, cầm cân nảy mực hãy thật cẩn trọng vì QĐ của các vị có thể QĐ đến cuộc đời 1 con người, thậm chí đến cả sinh mạng của họ nữa. Đừng bao giờ vô cảm với nỗi đau của đồng loại, chắc chắn phải có uẩn khúc nào đó.
    NGUYỄN HÀ TRANG
  • 3/11/2011 10:49:17 AM
    Nếu phiên toà xử oan thì đề nghị truy tố những người có liên quan. Đây là công bằng vì biết luật mà vẫn phạm luật.
    HOÀNG HOA
    • 3/10/2011 2:45:22 PM
      Nếu thủ phạm không phải là 4 bị cáo, vậy thủ phạm đích thực đang làm gì? Có thể là hắn đang cười đắc chí vì đã qua mặt được quá nhiều người.
      HOÀNG
    • 3/10/2011 2:15:40 PM
      Đề nghị cho điều tra lại! Đề nghị lập hội đồng xét xử khác, xét xử lại hoàn toàn từ đầu.
      BẠN ĐỌC
    • 3/10/2011 12:56:13 PM
      Trong tình tiết vụ án và cách xét xử đã có nhiều tình tiết đáng ngờ và không rõ ràng. Phải chăng VKS đã có điều gì đó không được minh bạch? Còn cách nói và trả lời phỏng vấn của phó Viện Trưởng VKS tỉnh Thừa Thiên Huế cũng rất vô trách nhiệm "...
      - Chiếc dép da rơi tại hiện trường là cơ sở để truy tìm thủ phạm thì cơ quan điều tra không lấy làm vật chứng?.."
      - "Khi tất cả các bị cáo đều phản cung thì việc đối chất không còn ý nghĩa nữa, vậy nên không cho đối chất..." Đau lòng thay những câu nói này lại xuất phát từ một người giữ luật! Nếu đặt trường hợp bị can chính là anh em hay ruột rà của ông phó thì liệu ông có LÀM NGƠ và trả lời như vậy không?
      THANH NHÀN
    • 3/10/2011 11:29:17 AM
      Tôi là hội thẩm nhân dân thuộc đoàn hội thẩm tòa án nhân dân tỉnh A.. Khi đọc qua vụ án tôi nhận thấy có nhiều điều cần phải xem xét lại. Đành rằng kết quả điều tra là vậy, cáo trạng là vậy. Nhưng khi xét xử không thể dựa hoàn toàn vào cáo trạng mà hội đồng xét xử phải xem xét lại. Tại sao Bị cáo kêu oan? Trách nhiệm của người hội thẩm nhân dân trong trường hợp này cần được thể hiện.
      Với trách nhiệm là người đại diện nhân dân tại phiên tòa, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. thì các hội thẩm cần phải lên tiếng. Viện kiểm soát đưa ra cáo trạng thì họ phải bảo vệ quan điểm của họ thôi. Trong trường hợp này luật sư tranh luận, vị công tố không trả lời vì ông ấy không trả lời được nên phải trả lời vậy thôi. Nếu xét xử thế này thì biết bao giờ mới hết oan sai?
      LE VAN THAU
    • 3/10/2011 10:35:51 AM
      Ai cũng thấy sự vô lý và bất công cho những nghi phạm trên. Tại sao viện kiểm sát không có câu đối chất? Tại sao không đưa ra được những bằng chứng thiết thực hơn mà đã vội đưa ra kết luận? Có phải chúng ta nên xem đằng sau sự việc còn có những sai trái gì? Sự thiếu trách nhiệm của những người đưa ra phán quyết làm cho những người tốt thành người mang tội? Như vậy sự công bằng nghiêm minh của luật pháp ở đâu?
      NGUYEN THI THUY THU
    • 3/10/2011 9:18:17 AM
      Đầu tiên tôi không bàn đến bị cáo có phạm tội hay không, nhưng ở đây tôi muốn nói đến vấn đề là những người thi hành pháp luật đã không hiểu hay là cố tình không biết là trong quá trình tiến hành điều tra là không được ép, mớm cung hay dùng những lời kích thích để điều tra và phải điều tra theo hướng có lợi cho bị cáo...
      Tôi đảm bảo rằng trong quá trình điều tra và lấy cung thì nếu điều tra viên không đánh đập, ép cung thì các đối tượng phạm tội không bao giờ khai... Nhưng phải xem xét rằng những thanh niên trên là đối tượng như thế nào? Nguyên nhân, hoàn cảnh, động cơ, mục đích phạm tội... mà có hướng điều tra cho rõ ràng. Ở đây tôi thấy rằng điều tra viên muốn kết thúc cho xong vụ án. Sau khi vụ án xảy ra đúng ra khi bị hại trình báo thì công an xã phải có trách nhiệm đến hiện trường để xác minh, bảo vệ hiện trường, đằng này sau 12 ngày... Thật vô lý, vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng!
      Còn kiểm sát viên không tranh luận có hai nguyên nhân:
      1. Nghiệp vụ yếu.
      2. Đã biết là vụ án có vấn đề làm ngơ và trả lời cho qua. Việc ông Phó viện trưởng trả lời, kêu bị cáo chứng minh là có việc bị đánh đập bởi điều tra viên thì tôi cho rằng ông thừa hiểu chưa bao giờ bị cáo mà đi thưa cán bộ điều tra khi đang bị tạm giam. Luật sư nên giám đốc lại bản án thôi?
      BÙI MINH TRUNG
      • 3/9/2011 3:43:08 PM
        Không thể hiểu nỗi cách thức làm việc của cơ quan thực hành quyền hành pháp ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
        Không lẽ, bất kỳ một ai đã bị bắt, tạm giữ là đều có tội? Cái tội lớn nhất ở đây là mấy vị điều tra viên quá coi thường nhân thân, bằng chứng để chứng minh họ có tội hay không. Nếu những gì đúng với bài báo nêu thì tôi tin rằng vụ án "1.000 ngày oan trái" cách đây hơn 20 chục năm sẽ lặp lại.
        Là một công dân rất bình thường cũng thấy bức xúc cho sự vô cảm của vị Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại Tòa. Có lẽ, vị kiểm sát viên này thiếu trình độ về luật, thiếu trình độ trong công tác xét xử, hay thiếu tình người trong hành xử giữa con người với con người.
        Và hơn nữa, lại đáng trách đến ức lên nơi lồng ngực dành cho vị chủ tọa phiên tòa đã mặc nhiên kết luận, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Không lẽ sự thật không còn tại chốn công đường ở đây?!
        NGUYENNAM
      • 3/9/2011 3:07:05 PM
        Xin các bên liên quan hãy kiềm chế và cận thận. Tội phải xử nhưng oan phải minh. Những người có liên quan và có trách nhiệm hãy làm sáng tỏ việc này cho dân tin và cho dân phục. Xin cảm ơn!
        TRẦN HUÂN
      • 3/9/2011 12:00:20 PM
        Thật trớ trêu thay cho những con người lương thiện. Chỉ là một độc giả bình thường nhưng theo quan điểm của một sinh viên ngành luật, tôi có thể khẳng định rằng những con người đó thật sự bị oan. Kính mong các nhà chức tránh hãy làm rõ vấn đề này.
        PHƯƠNG THÚY
      • 3/6/2011 9:58:41 AM
        Chào phóng viên Vinh Hà, Tôi rất mong anh/chị tiếp tục theo dõi vụ án. Các vụ án, nhất là hình sự của nước ta đều gặp rất nhiều hạn chế: - Điều tra viên, công an làm việc không tròn nhiệm vụ, hay ép cung, mớm cung để mau chấm dứt vụ án. - Kiểm sát viên không tranh luận. - Thẩm phán không nghe tranh tụng, trừ phi là luật sư rất giỏi, hoặc có tiếng trong giới. Đó cũng là tình trạng chung rồi. Trong thời gian chờ Bộ Tư pháp, Toà án & VKSND tối cao can thiệp vào tình trạng này, chúng ta đành phải chờ các luật sư giỏi để giải quyết vụ việc này.
        Kính mong phóng viên Vinh Hà tiếp tục đưa tin về vụ án để giúp người dân giải quyết oan sai. Trong trường hợp vụ án vẫn tiến triển không tốt, có thể liên hệ với Hội luật sư. Có rất nhiều luật sư có thể đứng ra tranh tụng miễn phí. Coi như là một cách để luật sư làm từ thiện vậy.
        PHAN MINH QUANG
      • 3/1/2011 7:23:03 PM
        Đọc bài báo, mình thấy rất xúc động, thương cho những bậc làm cha mẹ, xin hãy điều tra thật rõ,đừng để những người trẻ bị oan ức...
        KIỀU VÂN
      • 3/1/2011 9:16:30 AM
        Đã quy theo luật thì không chối cãi, ai sai phạm thì cứ chiếu theo khung hình phạt để hành xử cho sát đáng,n guyên tắc vô áy náy. Nhưng luật cần phải xử đúng người đúng tội.
        HOÀNG VŨ
        • 3/1/2011 8:53:49 AM
          Xin VKS hãy nói lên tiếng nói của mình. Một phán quyết của tòa là quyết định cả một tương lai con người!
          LAN DA NANG