Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa: Có “tròng” doanh nghiệp?

Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa: Có “tròng” doanh nghiệp?

Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa: Có “tròng” doanh nghiệp?
(Pháp lý) – Phương tiện không thuộc diện bị tạm giữ song muốn lấy xe ra chủ xe vẫn phải nộp tiền “thay” cho lái xe vi phạm bị phạt theo hướng dẫn của cán bộ. Kết quả là tiền Cty bỏ ra chưa thu hồi được, cơ quan chức năng thì phủi tay. Các lái xe “chẳng việc gì phải sợ”, tiếp tục vi phạm. Xe lại bị tạm giữ. Muốn lấy xe ra lại phải nộp tiền “thay”. Tổng số tiền phải nộp thay đến nay lên tới gần tỷ đồng. Doanh nghiệp nghẹt thở…
“Tròng ” người có tóc
Trong đơn gửi tới Tạp chí Pháp lý (kèm nhiều tài liệu, chứng cứ), ông Hoàng Quốc Tuế – Giám đốc Cty TNHH Du lịch Lạc Đà (Đ/c: 459 Trần Khát Chân – P.Thanh Nhàn – Q. Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho hay:
2.1 274x410 Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa: Có “tròng” doanh nghiệp?
Công văn của Cục kiểm lâm
Ngày 26/12/2011, Nguyễn Văn T – lái xe hợp đồng của Cty – đang điều khiển xe chở khách thì bị Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1- tỉnh Thanh Hóa cùng Cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra, phát hiện trên xe chở động vật hoang dã. Anh T. khai là người mua rồi vận chuyển ra Hà Nội bán. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ xe.
Chủ xe là ông Tuế được hướng dẫn phải nộp 263 triệu đồng tiền phạt thay cho lái xe vi phạm mới được lấy xe về, nếu không sẽ bị giữ xe đến khi lái xe nộp phạt xong.
Ông Tuế cho biết “Tôi không đồng ý nộp thay tiền phạt cho lái xe vì chưa có quyết định xử phạt chính thức. Và như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu cho các lái xe khác của Công ty tiếp tục vi phạm. Tuy nhiên, tôi được giải thích nếu không làm như vậy sẽ không được giải quyết nhận lại xe. Buộc lòng tôi phải ký vào biên bản. Tiếp đó, ông L.M.T lại đọc cho tôi viết “Giấy xin gửi tiền nộp phạt vi phạm hành chính” và các giấy tờ ghi bổ sung. Sau khi giao cho Đội kiểm lâm này 419.500.000 đồng, tôi nhận xe tối hôm đó”.
Ngày 04/01/2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản số 30/QĐ-XPHC xử phạt lái xe Nguyễn Văn T. số tiền 263 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số lâm sản “mua bán trái phép” và tạm giữ xe ô tô của Cty cho đến khi lái xe T. nộp xong tiền phạt?
Sai luật
Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam – Trưởng Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư Hà Nội, theo thông tin mà ông Tuế cung cấp thì cách giải quyết như trên của cán bộ, cơ quan chức năng là không đúng pháp luật.
Về việc giữ xe và “tư vấn” cho chủ phương tiện nộp tiền “thay” người vi phạm có những sai phạm sau:
Thứ nhất: Việc tạm giữ xe của Cty suốt từ 3 giờ sáng ngày 26/12/2011 đến chiều tối ngày 3/1/2012 của Đội Kiểm lâm số 1 là trái với Điều 20 và 21 Nghị định 99/2009/NĐ-CP quy định về “Vận chuyển lâm sản trái pháp luật” và “Mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước” và Điều 17 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định về “Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính” thì “Không tịch thu … phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp”.
2.23 284x410 Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa: Có “tròng” doanh nghiệp?
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của PCT tỉnh Thanh Hóa.
Như vậy, sau khi lái xe vi phạm xuất trình được hợp đồng ký trước đó với Cty trong đó có ghi rõ điều khoản Cty: cấm người lao động vận chuyển hoặc cấu kết với khách hàng vận chuyển hàng cấm thì Đội Kiểm lâm số 1 phải trình hợp đồng đó cho người có thẩm quyền phê duyệt quyết định tạm giữ phương tiện của Đội trưởng để người có thẩm quyền quyết định không phê duyệt quyết định tạm giữ trên và trả lại xe cho Cty ngay từ ngày 27/12/2011 mới đúng.
Mặt khác, giả sử việc giữ xe là biện pháp “Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” theo quy định tại Điều 31 Nghị định 99/2009/NĐ-CP việc tạm giữ xe ô tô để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lại càng không đúng trái với Điều 57 – PLXLVPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định về “Thủ tục phạt tiền” (chỉ được tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan).
Tuy nhiên, trường hợp giả thiết việc tạm giữ phương tiện của Đội Kiểm lâm là đúng quy định, trong vòng 24 giờ đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quyết định tạm giữ thì cũng không thể giữ lại cho đến bao giờ lái xe vi phạm nộp tiền phạt xong mới lấy được về. Bởi, theo quy định tại khoản 25 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung PLXLVPHC thì “phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp”.
Thứ hai: là việc hướng dẫn Cty nộp thay tiền phạt cho lái xe vi phạm rồi cho rằng đó là trách nhiệm dân sự của Cty bồi thường thiệt hai cho nhà nước khi lái xe vi phạm là không đúng pháp luật. Bởi, trong hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính không có quy định nào về việc nhận thay thế nghĩa vụ nộp phạt cho người vi phạm (trừ trường hợp họ có văn bản ủy quyền cho người khác đi nộp hộ). Mặt khác, nghĩa vụ nộp phạt vi phạm hành chính (trách nhiệm hành chính) hoàn toàn khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự.
Được biết, ngày 20/1/2012, Cục Kiểm lâm- Tổng cục Lâm nghiệp tại Công văn số 37/KL-TTPC trả lời thắc mắc của công ty về việc Cty ty bị tạm giữ xe trong trường hợp này có đúng hay không đã nêu rõ: trong trường hợp người điều khiển phương tiện của người khác tự ý vi phạm, bị xử phạt tiền thì không bị tịch thu phương tiện (quyết định xử phạt tiền chỉ áp dụng đối với người điều khiển phương tiện) người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện, giấy phép lái xe, giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi người vi phạm thi hành xong quyết định xử phạt”.
Với những hướng dẫn như trên, mong rằng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cần tư vấn lại để Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử lý vi phạm được đúng luật.
Trần Hoàng

Không có nhận xét nào: