Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

“Kẽ hở” khiến quyền người bị tạm giam bị “xà xẻo”





“Kẽ hở” khiến quyền người bị tạm giam bị “xà xẻo”



“Kẽ hở” khiến quyền người bị tạm giam bị “xà xẻo”
(PLO) - Quyền của người bị tạm giữ, tạm giam đã bị “xà xẻo” ngay từ khi họ bị bắt bởi những “kẽ hở” của pháp luật.
Vẫn tại cái lỗi... chung chung
Với qui định “phải thông báo ngay” nhưng không qui định là bao lâu kể từ thời điểm cơ quan điều tra nhận người bị bắt nên dù tắc trách hay vì lý do nào đó mà cán bộ điều tra không “thông báo ngay” cho gia đình người bị bắt về việc bắt giữ thì cán bộ điều tra cũng hoàn toàn không có vi phạm. Trong khi đó, gia đình người bị tạm giữ, tạm giam càng chậm nhận được thông báo về việc bắt giữ thì người bị tạm giữ, tạm giam càng bị thiệt thòi cả về vật chất, tinh thần và quyền được trợ giúp pháp lý, bào chữa. 
Xét về mọi góc độ, quyền biết thông tin về việc bắt người của gia đình người bị bắt là để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đối với người bị bắt. Các quyền và nghĩa vụ đó rất rộng, bao gồm việc thăm thân, mời LS bào chữa, giúp khắc phục hậu quả, kể cả việc cung cấp chứng cứ cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền... với mục đích giúp đỡ người thân của họ về mặt tinh thần cũng như vật chất trong hoàn cảnh bị tạm giữ, tạm giam. 
Tuy nhiên, Luật sư (LS) Huỳnh Phương Nam (Văn phòng LS Huỳnh Nam, Đoàn LS TP.Hà Nội) nhận thấy, thông báo về việc bắt người này trong thực tế các vụ án lại không giống nhau hoặc không được thực hiện đầy đủ, thậm chí hầu như không có gì chứng minh được gia đình người bị bắt đã nhận được thông báo này. Trong một số trường hợp, có một lý do được đưa ra để biện minh cho việc cơ quan chức năng không gửi thông báo bắt giữ đến gia đình người bị bắt là “để giữ tiếng cho gia đình”. Song với LS.Lê Quốc Đạt (Công ty Luật Trí Tuệ ở Hà Nội) “đã bắt công khai thì lý do này là vô lý”. 
Khổ trăm đường vì không thực hiện đúng luật
Thực tế, rất nhiều trường hợp gia đình người bị tạm giam bỗng nhiên thấy người thân “biến mất”, không biết cơ quan nào bắt, vì sao lại bắt và nếu biết thì cũng không biết bị tạm giam ở đâu. Chính LS Huỳnh Phương Nam đã từng phải “vào Nam, ra Bắc” mới biết chính xác nơi thân chủ của mình đang bị tạm giam để báo cho gia đình thân chủ biết liên hệ thăm nuôi. Trong cả quá trình “đi tìm” thân chủ, LS đã phải “lần mò” qua từng cơ quan điều tra, nhiều lần gửi Công văn và có lúc gần như mất hy vọng vì không nhận được hồi âm của cơ quan chức năng. 
Từ đó cho thấy, do không được thông báo lệnh bắt giữ theo qui định pháp luật mà không chỉ người nhà của người bị tạm giam mà cả LS là người được pháp luật trao cho quyền bào chữa cũng phải rất vất vả khắc phục thiếu sót của cơ quan chức năng. Hậu quả là quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam bị ảnh hưởng ngay từ khi họ “chạm trán” với các thủ tục tố tụng, kể cả khi người bị bắt không thuộc nhóm tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia.
Vì vậy, xem xét bổ sung các qui định để khắc phục tình trạng tùy tiện như trên trong việc thông báo bắt giữ cũng là một giải pháp để hoàn thiện qui định về quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam và bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam và tính nghiêm minh của pháp luật.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

QUYỀN THĂM THÂN CỦA NGƯỜI BỊ GIAM, GIỮ: Nhiều thủ tục, thiếu cơ chế thực thi

12/10/2013 - 07:00
QUYỀN THĂM THÂN CỦA NGƯỜI BỊ GIAM, GIỮ
Nhiều thủ tục, thiếu cơ chế thực thi

Nhiều tiêu cực khi người thân muốn thăm gặp người bị tạm giam, tạm giữ.

Khi bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ điều tra thì các quyền con người cơ bản vẫn phải được đảm bảo và tôn trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, quyền thăm thân - một quyền cơ bản của người bị tạm giữ, tạm giam vẫn chưa được quy định cụ thể và chưa được đảm bảo thực thi trên thực tế. Kết quả cuộc khảo sát thực trạng thực hiện quyền thăm thân do nhóm nghiên cứu độc lập của Văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự phối hợp với các chuyên gia thuộc khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển giới thiệu trong buổi tọa đàm ngày 11-10 nêu.
Bắt người nhưng không thông báo cho gia đình
Điều 89 Bộ luật TTHS 2003 quy định quyền thăm thân rất sơ sài: “Chế độ sinh hoạt, nhận quà, liên hệ với gia đình và các chế độ khác được thực hiện theo quy định của CP”. Và các quy định của Chính phủ (Nghị định 89/1998; Nghị định 98/2002 và Thông tư 08/2001 của Bộ Công an) quy định quyền này rất chung chung, tùy nghi, dẫn tới nhiều bất cập khi thi hành trên thực tế.

Người dân làm thủ tục thăm nuôi tại một trại tạm giam tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Chẳng hạn, thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam phải được thông tin đầy đủ về việc bắt, giữ người thân của mình nhưng khảo sát cho thấy: Chỉ có 24,5% người nhà của can phạm cho biết họ được “thông báo ngay”; “không thông báo” là 28,6%. Số còn lại là nhận được tin báo chậm, thậm chí không được thông báo.
Kết quả khảo sát ở nhóm luật sư và cán bộ tiến hành tố tụng cũng cho kết quả tương đồng: Chỉ 4,4% luật sư cho rằng có “thông báo ngay”. Và trong tám cán bộ tố tụng được hỏi chỉ một có đánh giá như vậy.
Trường hợp gia đình nhận được thông báo thì thông tin cũng không đầy đủ, không hề có thông tin hỗ trợ cho việc thăm thân (không ghi nơi tạm giam, tạm giữ).
Luật sư Huỳnh Phương Nam (Hà Nội) cho biết có rất nhiều ví dụ về những khó khăn mà thân nhân người bị tạm giam, tạm giữ phải trải qua. “Có trường hợp một sĩ quan công an ở Hà Nội bị bắt mà gia đình không hề biết. Họ nói với tôi là: “Nghe nói cơ quan an ninh bắt”. Tôi phải dò hỏi, mất nhiều thời gian mới biết địa chỉ cơ quan thụ lý”.
Thủ tục phức tạp…
Thủ tục xin phép thăm thân cũng vô cùng phức tạp và thiếu thống nhất. Mặc dù một nửa số cán bộ tố tụng được hỏi nói hồ sơ xin phép chỉ cần giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, song có tới 43% thân nhân nói là họ không nhớ nổi phải mang theo giấy tờ gì. Và 40,8% cho biết mỗi lần xin phép lại được yêu cầu giấy tờ hồ sơ khác nhau. Đây cũng là ý kiến của gần 55% số luật sư được hỏi.
Thời gian tiêu tốn cho thủ tục cũng không rõ ràng. Chỉ có 20% thân nhân cho biết là họ từng được cho phép thăm gặp ngay hoặc trong vòng ba ngày sau nộp đơn. Trong khi đó trên 61% luật sư và 3/4 cán bộ tố tụng trả lời là không thể xác định được. Còn khi bị từ chối cấp phép thăm thân, chỉ 18,3% thân nhân cho biết là họ có được giải thích lý do.
Theo quy định hiện hành, người bị tạm giữ, tạm giam chỉ được gửi/nhận thư khi được cơ quan đang thụ lý cho phép. Tuy nhiên, thực tế có 11% luật sư cho biết vẫn có trường hợp được liên lạc điện thoại, 6,1% thân nhân cũng xác nhận có hình thức liên lạc này.
… Dễ tiêu cực, tham nhũng
Vấn đề đáng lo ngại là quyền thăm thân trong thực tế bị hạn chế rất nhiều, dẫn tới nhũng nhiễu, tham nhũng. Luật sư Lê Quốc Đại cho biết các thân chủ mà ông tiếp xúc đều nói là phải chi tiền mới được liên lạc, gửi quà cho người nhà đang bị tạm giam.
Mang tới tọa đàm trải nghiệm thực tế, chị Huyền - có mẹ là bị can trong một vụ án kể: “Mẹ tôi bị bắt, cả nhà đôn đáo tìm hiểu xin thăm hỏi mà không được. Mất cả tháng, bỗng tôi nhận được điện thoại của một người xưng là quản giáo nhà tạm giam. Ông ta nói là tình trạng mẹ tôi rất khó khăn, chán nản… Gia đình nên quan tâm viết thư thăm hỏi, động viên nhưng phải chi 5 triệu đồng. Khi gia đình muốn gửi đồ ăn, ông ta ra giá 5 triệu đồng. Khi muốn gặp thì bị đòi 20 triệu đồng, sau mặc cả còn 10 triệu đồng. Còn gọi điện thoại ra ngoài mất 1 triệu đồng…”.
Tương tự, chị Vân có chồng bị tạm giam kể: “Anh ấy bị phường gọi lên làm việc, sau đó bị bắt luôn. Hôm sau gia đình lên hỏi thì phường nói là bị đưa lên Công an TP Hà Nội. Đến Công an TP Hà Nội thì họ nói là đưa đi Hỏa Lò rồi… Phải một năm sau tôi mới thăm được chồng”.

Quyền thăm thân chỉ hạn chế trong trường hợp có lý do thuyết phục là việc thăm gặp sẽ gây cản trở điều tra. Khi sửa Bộ luật TTHS, cần quy định cụ thể hơn, nêu rõ các điều kiện để quyền này được thực thi và bỏ hẳn cơ chế “cấp phép” nặng tính xin-cho, dễ nảy sinh tham nhũng. Thân nhân của người bị tạm giam chỉ cần thông báo trước và tuân thủ các điều kiện luật định là được thăm, gặp.
Nên cho phép liên lạc bằng điện thoại dưới sự giám sát nội dung của nhà chức trách và cấm trại giam sử dụng chế độ thăm thân như một biện pháp chế tài với người bị tạm giam.
Nhóm nghiên cứu đề xuất
NGHĨA NHÂN

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Quyền thăm thân với người bị tạm giữ, tạm giam còn nhiều hạn chế

Quyền thăm thân với người bị tạm giữ, tạm giam còn nhiều hạn chế

(ThanhtraVietnam) – Vấn đề quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam từ trước tới nay vẫn chưa được quan tâm nhiều mặc dù nó hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam trong vụ án hình sự. Để có sự áp dụng thống nhất, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam, việc nghiên cứu và hoàn thiện chế định quyền thăm thân để bổ sung quy định vào Bộ luật Tố tụng hình sự là cần thiết.
Hiện nay, chưa có điều luật cụ thể nào định nghĩa hay giải thích về quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam và đối tượng nào được xác định là người thân của họ để có quyền thăm thân với họ.

Theo Luật sư Huỳnh Phương Nam (Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam – Đoàn Luật sư Hà Nội), có thể tạm hiểu “quyền thăm thân” trong trường hợp này là quyền của người đang trong quá trình bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, tạm giam được tiếp cận thông tin, tiếp xúc với người thân và được tiếp tế những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho sinh hoạt tối thiểu của họ trong quá trình đó.

Hiện nay, các quy định về quyền thăm thân được áp dụng theo “Quy chế tạm giữ, tạm giam” theo Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ và đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 98/2002/NĐ-CP ngày 27/11/2002. Nhưng các Nghị định này đều căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1992 và 2000, đến nay đã hết hiệu lực). Mặc dù hiện nay các văn bản dưới luật này vẫn đang được áp dụng nhưng đã lạc hậu vì sau đó Bộ luật Tố tụng hình sự (mới) đã được ban hành tháng 11.2003 và có hiệu lực từ 01/7/2004.

Cũng theo Luật sư Huỳnh Phương Nam, trong các quy định dưới luật này, đối tượng được thăm thân cũng không quy định là “gia đình” của người bị bắt như trong Bộ luật Tố tụng hình sự mà được gọi là “thân nhân” của người bị tạm giữ, tạm giam. Thân nhân được hiểu là người thân của họ nhưng giới hạn phạm vi đối tượng người thân đến đâu thì cũng không có quy định nào ghi rõ.

Do đó, vấn đề quyền thăm thân và đối tượng được thực hiện quyền thăm thân đối với người đang bị tạm giữ, tạm giam cần phải được quy định cụ thể hơn để việc áp dụng được thống nhất, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị tạm giữ, tạm giam.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Thông báo về việc bắt giữ cho thân nhân

Theo Báo cáo khảo sát “Thực hiện quyền thăm thân của người bị tạm giam trước khi xét xử: hiện trạng và khuyến nghị” do Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, phối hợp với một số nhà nghiên cứu của Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tiến hành, kết quả cho thấy, khi phỏng vấn các thân nhân về việc thực hiện nghĩa vụ thông báo của cơ quan điều tra thì có tỷ lệ cao các ý kiến đồng thuận cho phương án “thông báo ngay” (chiếm 24,5%) và “không thông báo” (chiếm 28,6%), số còn lại cho rằng cơ quan điều tra thực hiện việc thông báo chậm từ sau 24h đến sau 5 ngày, thậm chí không được thông báo.

Về cách thức thông báo việc bắt giữ, số đông các thân nhân và nhóm luật sư được hỏi đều xác nhận hai hình thức chủ yếu là thông báo trực tiếp cho thân nhân (30,6% của nhóm thân nhân và 41,8% của nhóm luật sư) và thông báo gián tiếp qua UBND xã, phường nơi thân nhân cư trú (28,6% của nhóm thân nhân và 37,4% của nhóm luật sư). Có 22,4% các thân nhân nói rằng đồng thời với gửi văn bản thông báo qua UBND thì cơ quan điều tra cũng gọi điện thoại thông báo cho họ về việc bắt giữ.

Thực tế cho thấy, thông thường, gia đình người bị bắt phải tự tìm hiểu bằng nhiều cách để biết được người thân của mình bị giam ở đâu để tiếp tế. Việc thông báo như vậy thường chỉ mang tính hình thức, thủ tục để đưa vào hồ sơ vụ án chứ không thực sự để người bị tạm giam được hưởng các quyền lợi chính đáng của họ.

Như vậy, việc thông báo bắt giữ cho người thân còn nhiều bất cập. Rất nhiều trường hợp, gia đình người bị tạm giam bỗng nhiên thấy người thân “biến mất”, không biết cơ quan nào bắt, nếu biết thì cũng không biết giam ở đâu. Bản thân luật sư khi được gia đình họ mời tham gia bào chữa cũng phải rất vất vả mới xác minh được người đó bị giam ở đâu để thông tin lại cho gia đình họ.

Đảm bảo quyền con người trong bắt, giam, giữ

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, nếu như việc bắt, tạm giữ, tạm giam người cần phải có căn cứ là yếu tố quan trọng đầu tiên để bảo đảm không làm oan người vô tội và cũng không hạn chế quyền tự do thân thể trong những trường hợp không thực sự cần thiết, thì việc tạm giam, tạm giữ đúng thời hạn luật định và cũng chỉ tạm giữ, tạm giam trong thời hạn thực sự cần thiết là yếu tố có tính quyết định đến hiệu quả của việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của những người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

Người bị tạm giam không bị tước đoạt hết, nhưng bị hạn chế về quyền công dân. Quyền thăm thân của gia đình, người thân của người đang bị tạm giam là quyền con người, cần phải quy định bằng văn bản luật mà không nên quy định bằng văn bản dưới luật. Đó là ý kiến của GS. TS Nguyễn Đăng Dung, Viện nghiên cứu Chính sách, pháp luật và phát triển.

Theo ông Vũ Việt Hùng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì có thể thấy, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định về quyền được thăm thân của phạm nhân. Đối với người bị bắt giam, bị tạm giữ, tạm giam, trong Bộ luật Tố tụng hình sự mới chỉ những quy định về quyền của họ khi tham gia tố tụng, chưa quy định về quyền được thăm thân.

Thực tiễn cho thấy, đối với các vụ án rất nghiêm trọng, án đặc biệt nghiêm trọng, án do Cơ quan điều tra cấp Trung ương điều tra thì việc cho phép thăm thân là rất hạn chế, lý do duy nhất được đưa ra ở đây là để bảo đảm bí mật điều tra, tránh trường hợp thông cung… Hơn nữa, việc cho phép người bị tạm giữ, tạm giam được tại ngoại khi gia đình có hoàn cảnh đặc biệt (như người thân chết, bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo… ) nhiều khi cũng không được thực hiện.

Do đó, để đảm bảo các quyền con người, đặc biệt là quyền được thăm thân của người bị tước tự do do vi phạm pháp luật, ông Vũ Việt Hùng cho rằng việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, trong đó có quyền được thăm thân, được gia đình, người thân chăm sóc, điều trị y tế khi ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo… trong quá trình giam giữ./.

Hoàng Minh
Địa chỉ: Trụ sở Thanh tra Chính phủ, Lô D29, Đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội





Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Luật sư bắt buộc phải bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm

Luật sư bắt buộc phải bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm

Thứ Tư, 02/10/2013 18:45
 

(PL&XH) - Dự thảo Thông tư đưa ra hai phương án, một là thời gian bắt buộc bồi dưỡng với mọi LS tổng cộng phải đảm bảo tối thiểu 10 giờ/năm. Phương án hai cũng tính theo giờ, nhưng chia theo thâm niên hành nghề LS, thấp nhất là 6 giờ/năm.

http://phapluatxahoi.vn/20131002111627579p0c1002/luat-su-bat-buoc-phai-boi-duong-nghiep-vu-hang-nam.htm
“Trong một thời gian dài, việc giám sát người tập sự hành nghề luật sư (LS) của các Đoàn LS chưa làm hết trách nhiệm, nếu không nói là có nơi không làm gì”, đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp tại tọa đàm góp ý cho Thông tư thay thế Thông tư số 21/2010/TT-BTP về tập sự hành nghề LS, tổ chức ngày 10-9.

Cũng theo ông Bốn, việc giám sát tập sự hành nghề LS còn lỏng lẻo đến nỗi có trường hợp Đoàn LS vẫn gửi hồ sơ đăng ký kiểm tra hết tập sự hành nghề đến Bộ Tư pháp, nhưng khi phỏng vấn trực tiếp người tập sự thì người tập sự còn không biết LS hướng dẫn là ai, không biết tổ chức LS nơi mình đăng ký làm được bao nhiêu vụ việc/năm… Do đó, ông Bốn cho rằng, để nâng cao hiệu quả tập sự, phải bổ sung trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong hoạt động giám sát tập sự hành nghề. Bên cạnh đó, theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư thì việc cấp chứng chỉ hành nghề LS sẽ giao cho Sở Tư pháp các tỉnh, TP thực hiện, nhưng hiện tại, “bóng dáng” của Sở Tư pháp với hoạt động tập sự hành nghề LS còn khá mờ nhạt.

Để tranh tụng, tư vấn tốt hơn, các LS sẽ bắt buộc phải bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm.     Ảnh: PT

Theo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 21, thời gian tập sự hành nghề LS sẽ giảm từ 18 tháng xuống còn 12 tháng. Người tập sự hành nghề LS được đi cùng LS hướng dẫn để gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự, dân sự, và vụ án hành chính khi được người đó đồng ý. Người tập sự hành nghề LS cũng được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác khi được khách hàng đồng ý. Tuy nhiên, việc ký văn bản tư vấn lại phải do LS hướng dẫn thực hiện. Ông Nguyễn Văn Huyên, Phó GĐ Học viện Tư pháp (Hà Nội) cho rằng, cần xem lại qui định này vì có bất cập bởi nếu tư vấn bằng miệng thì xem như xong, còn tư vấn bằng văn bản thì lại phải do LS hướng dẫn ký.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2012 đã chuyển giao nhiệm vụ tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS cho Liên đoàn LS Việt Nam, thay vì Bộ Tư pháp, do đó, Liên đoàn LS sẽ thành lập Hội đồng kiểm tra và tổ chức kiểm tra hết tập sự hành nghề LS. Cùng với Hội đồng kiểm tra của Liên đoàn LS, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ thành lập Ban Giám sát để giám sát từ việc thành lập Hội đồng kiểm tra, tổ chức kiểm tra, tổ chức chấm điểm, phúc tra, giải quyết khiếu nại... Nếu phát hiện có hành vi vi phạm, Ban Giám sát sẽ lập biên bản và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đình chỉ việc kiểm tra, hủy bỏ kết quả kiểm tra  tập sự.

Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, cần bổ sung qui định trong thời gian đang hướng dẫn mà LS hướng dẫn bị xử lý kỷ luật thì được thay đổi LS hướng dẫn khác. Đồng thời, ấn định thời điểm phải tổ chức kiểm tra tập sự trong năm để tránh tình trạng LS tập sự xong phải chờ đợi đến kỳ để được kiểm tra. Thực tế,  nửa năm, thậm chí cả năm mới tổ chức được 1 lần. Đồng tình, LS Huỳnh Phương Nam cho rằng, nên ấn định thời gian, và số lượng LS tập sự xong để tổ chức kiểm tra cho phù hợp.

Cùng với việc đưa ra các qui định quản lý chặt chẽ hơn việc tập sự hành nghề LS, Bộ Tư pháp cũng xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ của LS hàng năm.

Hiện, tính đến tháng 6-2013, cả nước có khoảng 8.500 người được cấp chứng chỉ hành nghề LS, trong đó có gần 8.000 người đã được cấp thẻ LS, khoảng 3.500 người tập sự hành nghề LS hoạt động trong 3.165 tổ chức hành nghề LS. Trong đó, số LS có trình độ cử nhân luật trở lên chiếm 99%, số LS đã qua đào tạo nghề LS chiếm hơn 75% tổng số LS của cả nước. Đáng quan tâm, chất lượng của LS được đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cả nước còn hơn 1.000 LS theo Pháp lệnh tổ chức LS năm 1987 không được đào tạo bài bản về kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề  nghiệp LS. Dẫn đến, chất lượng tham gia tố tụng chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, còn một bộ phận LS vi phạm pháp luật bị kết án, vi phạm Qui tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS như lừa dối, thiếu trung thực trong hành nghề…

Một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém nói trên là do LS chưa có ý thức tự bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, và pháp luật cũng chưa có qui định về thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc, trong khi nhiều nước có nghề LS đều có qui định về nghĩa vụ tự đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Do đó, Dự thảo Thông tư đưa ra hai phương án, một là thời gian bắt buộc bồi dưỡng với mọi LS tổng cộng phải đảm bảo tối thiểu 10 giờ/năm. Phương án hai cũng tính theo giờ, nhưng chia theo thâm niên hành nghề LS, thấp nhất là 6 giờ/năm với LS đã có thâm niên 10 năm hành nghề, và nhiều nhất là tối thiểu phải 12 giờ/năm, với các LS trẻ có thâm niên hành nghề dưới 3 năm.

Ngày 10-10, LS cả nước trợ giúp, tư vấn pháp lý miễn phí
Trao đổi với PV, LS Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn LS Việt Nam cho biết, hướng tới Ngày truyền thống LS Việt Nam 10-10, Liên đoàn LS Việt Nam đang tổ chức nhiều hoạt động truyền thông thiết thực để người dân hiểu biết thêm về vai trò và các dịch vụ pháp lý của LS. Đáng chú ý trong chuỗi sự kiện này là tất cả các LS trong cả nước sẽ góp 1 ngày làm việc (8 giờ hành chính) để thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân ngay tại Trụ sở của Tổ chức hành nghề luật sư nơi mình đăng ký hoạt động vào ngày 10-10. Các Đoàn LS sẽ triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật ngay tại trụ sở của mình, hay tổ chức lưu động tại bất cứ một địa điểm nào do các Đoàn tự liên hệ.

Phương Thảo