Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Vụ UBND tỉnh Vĩnh Phúc bị kiện ra tòa: Lộ diện chiêu trò gian dối của quan tỉnh

Vụ UBND tỉnh Vĩnh Phúc bị kiện ra tòa: Lộ diện chiêu trò gian dối của quan tỉnh


Chính sách & Pháp luậtPháp luật
Chủ nhật, 25/8/2013 7:26 GMT+7
Dự án trường quốc tế chỉ là dự án trong mơ
Sau 5 lần bị hoãn, ngày 27/8 tới, phiên tòa xét xử vụ UBND tỉnh Vĩnh Phúc bị dân kiện ra tòa vì có liên quan đến Dự án Trường Quốc tế UnisCampus do Tập đoàn giáo dục Unet (Hà Nội) đầu tư tại Vĩnh Phúc sẽ được mở lại. Trong khi chờ đợi phán xét của tòa án về “số phận” của dự án, Tầm Nhìn xin điểm lại một số sai phạm liên quan đến dự án này để bạn đọc tiện theo dõi.
Từ việc thu hồi đất trái thẩm quyền

Trong 11 Quyết định bị kiện, dư luận quan tâm nhất là Quyết định thu hồi đất số 3068/QĐ-UBND ngày 20/08/2008 do ông Hoàng Trường Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch UBND ký thay Chủ tịch UBND tỉnh.

Quyết định căn cứ vào Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Đất đai; Giấy chứng nhận đầu tư số 19121000168 ngày 5/8/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Cty CP tập đoàn giáo dục Unet. Nội dung thu hồi hơn 17ha đất để giải phóng mặt bằng xây dựng trường học. Từ quyết định này, Công ty Unet đã chi trả tiền cho người dân và yêu cầu họ bàn giao đất.

Nhận xét về quyết định trên, Luật sư Lê Thị Oanh, VP Luật sư Huỳnh Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quyết định này có nhiều điểm sai.

Thứ nhất: Sai về thẩm quyền ban hành so với Điều 126, 127 Luật Tổ chức HĐND và UBND và Điều 44 Luật Đất đai quy định về “Thẩm quyền thu hồi đất” và Điều 53 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định về “Quyết định thu hồi đất”. Các điều luật này không cho phép Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh, để đại diện ký quyết định thu hồi đất.

Mặt khác, theo Điều 80 Luật Ban hành VBQPPL năm 1996 (Quyết định ban hành trước Luật Ban hành VBQPPL 2008 – có hiệu lực ngày 1/1/2009 nên áp dụng luật 1996) quy định về “Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật” thì “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”, nên nếu có văn bản nào dưới luật cho phép Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký thay Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi đất thì cũng không được áp dụng vì trái với Luật Tổ chức HĐND và UBND và Luật Đất đai.

Trong Quyết định số 3068, phần căn cứ không ghi căn cứ vào nhiệm vụ được phân công của Phó Chủ tịch UBND tỉnh hay Giấy ủy quyền của Chủ tịch nhân dân tỉnh mà ông Hoàng Trường Kỳ (phụ trách mảng văn hóa – xã hội) lại đại diện UBND ký thay Chủ tịch UBND tỉnh là trái pháp luật.

Thứ hai: Nội dung quyết định thu hồi hơn 17 ha đất để xây dựng trường học. Nhưng, cơ cấu sử dụng đất của dự án nêu trong Giấy chứng nhận đầu tư lại có hơn 2,3ha là đất nhà ở chuyên gia, giáo viên. Trong khi, tài sản của nhà trường quy định tại chương VI tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BGD ĐT ngày 02/4/2007 của Bộ Giáo dục đào tạo thì tài sản của nhà trường về cơ cấu sử dụng đất đai không có đất ở cho chuyên gia, giáo viên (áp dụng quyết định 2007 chứ không phải vì thông tư năm 2011 về Điều lệ trường vì Quyết định thu hồi đất là năm 2008 – trước thông tư).

Vậy nên, Quyết định 3068 chứa nội dung vừa thu hồi đất công, vừa thu hồi đất ở cho giáo viên, chuyên gia là loại đất không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất là không đúng pháp luật.

Thứ ba: Về thời gian ban hành quyết định cũng không đúng với Điều 39 Luật Đất đai quy định về “Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”. Điều luật này quy định “Trước khi thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất ở … cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho người bị thu hồi đất biết…”.

Đối chiếu vào Quyết định 3068 cũng như lời khai của đại diện UBND tỉnh tại tòa án thì từ khi có Quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư (ngày 05/8/2008), quyết định phê duyệt địa điểm phạm vi lập dự án (ngày 25/7/2008) và Quyết định phê duyệt tổng thể phương án bồi thường là ngày 15/8/2008, thì thời gian mới có từ 05 đến 25 ngày mà UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi đất là vi phạm về mặt thời hạn. Theo phản ánh của dân thì họ không được thông báo lý do trước khi UBND tỉnh quyết định thu hồi đất.

Thứ tư:
 Quyết định số 3068 căn cứ vào Giấy chứng nhận đầu tư số 19121000168 cũng là một quyết định sai luật. Vì Giấy chứng nhận này cũng do Phó Chủ tịch tỉnh ký thay Chủ tịch UBND tỉnh.

Mặt khác, giấy chứng nhận do Ban Quản lý các khu công nghiệp thẩm định trình mà không phải là Sở Kế hoạch đầu tư là không đúng thẩm quyền của người trình văn bản, trái với Điều 40 về “Cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư” của Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”.

Đồng thời việc cấp Giấy chứng nhận trên cũng không có ý kiến thẩm định của Bộ Giáo dục xem dự án có đủ điều kiện đầu tư, quy hoạch giáo dục hay không là trái với Điều 50 của Nghị định 108/2006/NĐ-CP về “Thẩm quyền của Bộ quản lý ngành đối với việc thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư” là sai luật.

Không những vậy, khi cấp Giấy chứng nhận, năng lực về tài chính để thực hiện dự án cũng không được thẩm định. Dự án lập ra mang tính chất quốc tế giá trị gần 240 tỷ đồng, còn vốn doanh nghiệp chỉ gần 9 tỷ đồng thì doanh nghiệp lấy vốn ở đâu để xây dựng trường và dạy học. Trong khi, Điều 5 Thông tư 14/2005/TTLT-BGD&ĐT-BKH&ĐT ngày 14/4/2005 của Bộ Giáo dục đào tạo và Bộ Kế hoạch đầu tư “Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 06/03/200 của Chính phủ về “Hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục…” lại yêu cầu nhà đầu tư “Phải có khả năng tài chính để thực hiện dự án (có văn bản xác nhận của cơ quan có trách nhiệm, ngân hàng, báo cáo kiểm toán tài chính của 02 năm liền kề gần nhất)”.


Sau những lời quảng cáo hoành tráng, dự án vẫn chỉ là khu đồi hoang
Đến chiêu trò gian dối của quan tỉnh

Để tham gia phiên tòa trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường. Ông Lộc có bản tự khai cho rằng, việc ban hành Quyết định 3068/QĐ-UBND là đúng quy định pháp luật. Đồng thời quyết định còn căn cứ vào các thông báo đồng ý về mặt chủ trương của Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc về việc cho thành lập trường Quốc tế UNISCAMPUS.

Về vấn đề này, Luật sư Lê Thị Oanh cho rằng, quyết định hành chính mà lại căn cứ vào Thông báo của Tỉnh ủy là sai. Vì theo Luật Ban hành VBQPPL thì chỉ có Hiến pháp, luật, Nghị định, Thông tư mới là cơ sở pháp lý để ban hành văn bản pháp luật nói chung và văn bản cá biệt nói riêng.

Không những thế, tài liệu trong hồ sơ thể hiện Quyết định 1042/QĐ-UBND ngày 15/8/2008 về phương án bồi thường tổng thể là căn cứ để tỉnh ban hành Quyết định 3068/QĐ-UBND không phải do UBND tỉnh ký theo tờ trình của Sở Tài chính như lời vị đại diện UBND tỉnh khai. Mà Quyết định này được UBND thành phố Vĩnh Yên ký trên cơ sở tờ trình của phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố Vĩnh Yên. Như vậy là không đúng với Điều 51 Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định về “Lập, thẩm định và xét duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”. Vì điều luật này quy định rõ “Kể từ ngày nhận được tờ trình của cơ quan Tài chính, Ủy ban nhân dân đã có chủ trương thu hồi đất hoặc chấp thuận về địa điểm đầu tư có trách nhiệm xem xét, ký quyết định xét duyệt phương án tổng thể”.

Như vậy, việc căn cứ để ra quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc theo kiểu “râu ông nọ, cắm cằm bà kia” là hoàn toàn vô lý. Vì thế, quyết định được ban hành không có hiệu lực pháp luật. Lời khai của giám đốc Sở TN&MT, đại diện cho UBND tỉnh là “sự nhầm lẫn hữu ý” hay cố tình lấp liếm sai phạm, sửa cái sai này bằng một cái sai khác.

Phán xét cuối cùng là của tòa án. Nhưng ngay từ bây giờ, dư luận đã có nhiều nhận định trái chiều về kết quả của phiên tòa.

Nhóm PV