Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Vào tù vì giữ gái làng

Thứ sáu, 26/07/2013 - 00:00
FaceBook

Khi nạn nhân trở thành tội phạm giết người
Giữa cái nắng hè oi bức, bị cáo Nguyễn Văn Cương (SN 1988, Hồng Thái, Phú Xuyên, HN) được dẫn giải vào phòng xử án của TAND TP Hà Nội. Khi phạm tội, Cương vừa bước qua tuổi 24. Điều đáng nói là, trong vụ án này, Cương là thủ phạm, nhưng đồng thời lại là nạn nhân của hủ tục “ngăn sông cấm chợ” gái làng của nhiều làng quê còn sót lại.
Nhìn thấy con cúi gằm mặt trước vành móng ngựa, mẹ của bị cáo len lén lau nước mắt. Ngồi bên cạnh chồng được một lúc, bà lặng lẽ rời khỏi phòng xử. Trong tâm trí của người mẹ đau khổ đó, Cương vẫn là đứa con trai hiền lành, thương bố mẹ và chịu khó làm ăn. Xuống Hà Nội làm thuê làm mướn nhưng được đồng nào, Cương cũng dành dụm để gửi về cho bố mẹ. Chỉ vì muốn tìm cho mẹ một cô con dâu ở xã bên mà cậu đã bị trai làng đó hiềm khích, dẫn đến xô xát và xảy ra án mạng.
Ảnh minh họa
Mãi đến tận sáng hôm sau khi án mạng xảy ra, vợ chồng bà mới hay tin con trai đã gây chuyện tày đình. Bà bị sốc nặng, còn chồng bà thì run rẩy đi vay mượn, gom góp tiền đưa cho người cháu họ sang chia buồn cho gia đình bị hại. “Gia đình nghèo khó quá cô ơi. Con tôi gây chuyện, chúng tôi là cha mẹ cũng có trách nhiệm. Góp được bao nhiêu, hai vợ chồng mang hết sang gia đình bên kia. Ông nhà tôi xin được gửi nhiều lần tiền bù đắp những mất mát và chi phí tang lễ nhưng họ nào có ưng” – bà thở dài. Nỗi buồn chất chứa trong đôi mắt người mẹ.
Theo cáo trạng, ngày 3-7-2012, bị cáo Cương đi với một người bạn (cùng xã Hồng Thái)  xuống nhà bạn ở thôn Kim Quy (Minh Tân, Phú Xuyên) chơi. Được một lúc, hai chàng trai sang nhà một thiếu nữ gần đó là N.T.L (SN 1994) để tìm hiểu. Vừa lúc đó, một nhóm thanh niên khác gồm 3 người ở cùng xã Minh Tân cũng đến, trong số đó có một người đang tìm hiểu cô gái. Cương ra ngoài đầu ngõ rồi gọi người bạn ở gần đó ra ngồi nói chuyện. Đến 21h cùng ngày, Vũ Văn Long (nhóm thanh niên đến sau, trong xã Minh Tân) chạy từ nhà N.T.L ra ngõ, chỉ tay vào mặt Cương chửi bới và đánh. Cương tìm cách chạy trốn nhưng vẫn bị Long kéo vào đánh tiếp Cương rút con dao bấm trong túi quần đâm một nhát vào người Long rồi bỏ chạy. Vết đâm đó khiến Long bị sốc mất máu cấp và suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong. Tại phiên tòa, bị cáo Cương khai nhận, con dao được bị cáo để trong cốp xe máy từ trước được sử dụng trong những lần đi câu cá.
Luật sư Hoa Hoàng Nhật, văn phòng luật sư Huỳnh Nam, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Cương cho rằng, xét về luật pháp thì bị cáo Cương phạm tội giết người và cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe cho người khác. Nhưng xét về góc độ xã hội, bị cáo Cương cũng là nạn nhân của hủ tục “trai làng ta giữ gái làng ta” vẫn còn tồn tại trong các vùng nông thôn bao lâu nay. Hành động của bị cáo diễn ra trong trạng thái bị kích động mạnh, khi bị hại đã chửi bới, đánh đập vào đầu, mặt, người... và cố tình đánh đến cùng (bị cáo đã chạy nhưng bị hại đuổi theo để đánh tiếp). “Vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở một vụ án mạng thông thường mà điều sâu xa hơn là hành vi “ngăn sông cấm chợ” của một bộ phận trai làng khi trai làng khác đến tìm hiểu gái làng mình, nhất là khi sử dụng vũ lực để làm việc đó” – Luật sư Nhật chia sẻ.
Hội đồng xét xử xem xét hành vi của bị cáo Cương là trái pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo có thân nhân tốt, mới phạm pháp lần đầu, hành vi xảy ra khi bị kích động mạnh và bộc phát, gia đình dù khó khăn nhưng cũng đã bồi thường cho bị hại 10 triệu đồng, người bị hại cũng có phần lỗi. Bị cáo Cương nhận mức án 12 năm tù theo khoản 2, điều 93 Bộ luật hình sự. Rời phiên tòa, nước mắt người mẹ của Cương lã chã rơi. “12 năm nữa, lúc đó còn có ai lấy nó nữa không” – bà nói rồi lẳng lặng đi về phía chiếc xe chở cậu con trai chậm chạp lăn bánh về phía cổng tòa…
Ảnh minh họa
Hủ tục nhức nhối làng quê
Đây không phải là vụ án đầu tiên liên quan đến những vụ hỗn chiến “giữ” gái làng. Rất nhiều vụ việc đau lòng đã diễn ra chỉ vì không muốn trai làng khác đến tán tỉnh gái làng mình. Nhiều người còn coi đó là “lẽ tự nhiên”, “dễ hiểu”, trong khi thực chất, yêu đương, tìm hiểu lại là quyền tự do của mỗi cá nhân.
Cách đây không lâu, vụ án 14 trai làng đánh chết 2 thanh niên vì dám… tán gái làng ở thôn Liễu Ngạn (xã Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng gây xôn xao dư luận. Tối ngày 23-6-2012, thấy 2 thanh  niên là Hoàng Xuân Thanh (SN 1996) và Hoàng Xuân Cường (SN 1993, cùng trú tại xã Ninh Xá, Thuận Thành) sang nhà chị N.T.H (SN 1994, thôn Liễu Ngạn) chơi thì bị 14 trai làng cầm dao, mã tấu, tuýp sắt, gậy gỗ đến gây sự. Các đối tượng liên tục đánh chém vào 2 thanh niên khiến Thanh và Cường tử vong tại chỗ. Mặc dù 14 đối tượng đã bị TAND tỉnh Bắc Ninh truy tố về tội Giết người, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, tổng cộng hình phạt là 1 án chung thân và 160 năm tù giam, nhưng điều còn lại sau đó là một nỗi bàng hoàng cho cả thôn quê nghèo.
Một vụ án mạng khác cũng xảy ra khi một thanh niên tên là Hoàng Văn Phước sang nhà bạn gái ở xóm Thượng Cừ, thôn Trà Liên Tây (Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị) chơi thì bị một nhóm trai làng hành hung tập thể. Phước và người bạn gái đã từng làm chung với nhau ở tiệm cắt tóc. Vì “ngứa mắt” khi thấy Phước đèo cô gái đi chơi về, nhóm trai làng này chặn lại gây gổ và hành hung, khiến nạn nhân tử vong.
Luật sư Hoa Hoàng Nhật cũng từng đứng ra bảo vệ cho bị hại trong một vụ án hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng mà nguyên nhân sâu xa là xuất phát từ hành vi “giữ” gái làng của một nhóm trai làng. Một nhóm thanh niên đã dùng gậy gộc để phá hủy xe, đuổi đánh một chàng trai làng khác khi cậu này có ý định tìm hiểu gái làng mình. Theo luật sư, pháp luật đã quy định rõ về việc các cá nhân tự do trong việc tạo mối quan hệ tình cảm và yêu đương. Trai trong làng chiếm giữ gái làng là hành vi trái với đạo đức và văn hóa, nay còn dùng vũ lực gây ra những tổn thương tâm lý, thể chất cho người khác là hành vi trái pháp luật. Hành vi đó xuất phát từ suy nghĩ cổ hủ, nông nổi, a dua và thiếu hiểu biết của một bộ phận thanh niên, đã đến lúc cần cảnh tỉnh để tránh những hậu quả đáng tiếc sau này.    
Quỳnh An