Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

NÂNG CHẤT TRANH TỤNG - BÀI CUỐI Sửa luật để có phiên tòa tranh tụng đúng nghĩa

27/05/2011 - 00:38
NÂNG CHẤT TRANH TỤNG - BÀI CUỐI
Sửa luật để có phiên tòa tranh tụng đúng nghĩa
http://phapluattp.vn/20110527123455727p0c1063/sua-luat-de-co-phien-toa-tranh-tung-dung-nghia.htm

Nhiệm vụ xét hỏi chính phải là của kiểm sát viên và luật sư. Tòa chỉ nên lắng nghe, ghi nhận, nếu thấy cần thiết thì hỏi thêm.
Những số trước, chúng tôi đã phân tích thực trạng và các biện pháp nâng cao tính tranh tụng trong phiên tòa hình sự. Một vấn đề được các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm do Pháp Luật TP.HCM tổ chức bàn luận khá sôi nổi là cần phải sửa đổi, bổ sung luật như thế nào để hoạt động tranh tụng thật sự có chất lượng…
“Mô hình tố tụng pha trộn giữa thẩm vấn và tranh tụng của chúng ta rất tiến bộ vì kết hợp được ưu điểm của hai mô hình tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng ra đời trước đó là nhà nước kiểm soát được tội phạm nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nghi can. Nếu chính thức ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi thì sẽ càng làm tăng thêm tính ưu việt của nó” - TS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng bộ môn Tố tụng hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, khẳng định.
Ghi nhận nguyên tắc tranh tụng
Nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế cho biết: Trước đây, khi soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, vấn đề này đã từng gây nhiều tranh cãi. Nhiều người e rằng nếu luật ghi nhận nguyên tắc tranh tụng thì mô hình tố tụng của nước ta sẽ trở thành mô hình tố tụng tranh tụng. Như vậy sẽ phải sửa đổi toàn bộ hệ thống pháp luật, một điều không khả thi vì không phù hợp với điều kiện của nước ta.
“Lo ngại đó không có căn cứ” - TS Hưng hào hứng. Theo ông, ghi nhận nguyên tắc tranh tụng không đồng nghĩa Việt Nam sẽ đi theo mô hình tố tụng tranh tụng mà chỉ tăng cường thêm tính tranh tụng trong mô hình pha trộn ở ta mà thôi. Điều này cũng phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp là nâng cao tính tranh tụng tại phiên tòa.


Luật sư đang tranh tụng với VKS tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD
“Đúng là nếu hiểu ghi nhận nguyên tắc tranh tụng thì chúng ta sẽ bắt buộc phải đi theo mô hình tố tụng tranh tụng là quá máy móc” - ông Quế thừa nhận. Ông Quế cho rằng mô hình của chúng ta đã có sẵn tính tranh tụng nhưng chưa cao. Việc chính thức ghi nhận nguyên tắc tranh tụng sẽ khiến cho phiên tòa chuyên nghiệp và chất lượng hơn. Nguyên tắc này chỉ làm cho nền tố tụng hình sự tiến bộ hơn vì một mục tiêu của cải cách tư pháp là sự tranh tụng tại tòa để soi rọi bản chất vụ án.
Giao việc xét hỏi chính cho VKS, luật sư
Theo ông Quế, luật hiện hành không quy định ai xét hỏi chính tại phiên tòa nhưng lại quy định chủ tọa xét hỏi trước, sau đó đến hội thẩm nhân dân rồi mới đến kiểm sát viên, luật sư. Chính quy định tòa xét hỏi trước này đã hình thành một thói quen là tòa xét hỏi chính, “bao sân” hết. Trong khi đó, lẽ ra nhiệm vụ xét hỏi chính phải là của kiểm sát viên và luật sư hai bên. Tòa chỉ nên lắng nghe và ghi nhận, nếu thấy cần thiết làm rõ gì, muốn bổ sung gì thì tòa xét hỏi thêm.
Quan điểm này được các chuyên gia tán đồng. Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) nhận xét nếu sửa luật theo hướng giao việc xét hỏi chính cho kiểm sát viên và luật sư sẽ nâng cao được tính tranh tụng tại tòa. Kiểm sát viên và luật sư phải đầu tư phần thẩm vấn cho có chất lượng, tòa thì có điều kiện rảnh rang hơn để xem xét, đánh giá sự việc. Dĩ nhiên, vai trò điều khiển phiên xử và nội dung xét hỏi vẫn thuộc chủ tọa để tránh việc xét hỏi đi trật đường, lan man.
Cần có luật riêng về chứng cứ
Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, bày tỏ băn khoăn về chuyện có khi một vụ án cũng bằng đó chứng cứ nhưng hội đồng xét xử này phán bị cáo có tội, hội đồng xét xử kia lại nói không. Có khi cũng bằng ấy chứng cứ, hai công tố viên khác nhau lại có hai cách lập luận buộc tội khác nhau... Điều đó cho thấy cách thức thu thập và đánh giá chứng cứ của chúng ta còn những điểm chưa ổn, trong khi chứng cứ là điều quyết định số phận của bị cáo.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bổ sung thêm: Hầu hết các nước đều đã có luật riêng về chứng cứ. Còn ở ta, chứng cứ chỉ được quy định trong một chương và nằm rải rác ở vài điều luật khác trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Như vậy là chưa đủ. Đã đến lúc việc thu thập, đánh giá chứng cứ cần phải được quan tâm hơn.
Hoàn thiện quy chế, nội quy phiên tòa
Đó là đề xuất của luật sư Trương Trọng Nghĩa. Ông băn khoăn về việc tại phiên tòa hình sự vẫn xảy ra những chuyện đáng tiếc như luật sư, kiểm sát viên phản ứng bỏ về hay người tham gia tố tụng và thân nhân gây rối… “Đúng sai, nguyên nhân thế nào thì còn phải ngồi lại xem xét nhưng những việc này cho thấy tính nghiêm minh của chốn công đường đã bị giảm sút”.
Theo một kiểm sát viên VKSND TP.HCM, luật pháp một số nước rất nghiêm khắc với những hành vi không tôn trọng tòa. Chẳng hạn ở Mỹ, khi luật sư vi phạm nội quy phiên tòa, trong đó có chuỵện từ chối tranh luận rồi tự ý bỏ phiên tòa ra về thì bị coi là khinh thị tòa án. Với hành vi này, chủ tọa phiên tòa có quyền trực tiếp ra quyết định phạt tiền hoặc phạt tù đến một năm đối với người vi phạm và yêu cầu cảnh sát thi hành ngay.
Chưa công bằng với luật sư
Hiện nay để tham gia một vụ án hình sự thì thủ tục với một kiểm sát viên rất đơn giản, chỉ cần một quyết định phân công của lãnh đạo VKS. Trong khi đó, luật sư thì phải nộp đủ mọi loại giấy tờ như thẻ luật sư, giấy giới thiệu của văn phòng, giấy yêu cầu luật sư… rồi đi tới đi lui mới được cơ quan tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Có lẽ nên đơn giản hóa các thủ tục này hơn để luật sư dễ dàng tham gia tố tụng.
Hiện nay, việc xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư trong giai đoạn xét xử thuộc thẩm quyền của lãnh đạo tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền tuyên án tử hình một con người nhưng lại không có quyền ký vào tờ giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư là điều chưa hợp lý.
Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG,
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
Sự phản biện là cần thiết
Nói thật, ngồi ở phiên xử nào mà không có luật sư, tôi lại thấy… buồn. Nói như vậy để thấy vai trò của luật sư rất quan trọng trong việc thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Sự phản biện của luật sư là cần thiết, giúp cơ quan tố tụng phát hiện, sửa chữa thiếu sót, giúp sự thật của vụ án được phơi bày. Đáng tiếc, tỉ lệ tham gia của luật sư hiện nay ở phiên tòa hình sự lại chưa cao.
Kiểm sát viên VÕ VĂN THÊM, Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao

THANH TÙNG